Diễn đàn châu Á Bác Ngao: Trung Quốc tự trấn an mình?

09:11, 26/03/2017
|

Các nền tảng kinh tế vững mạnh của Trung Quốc vẫn được duy trì mặc dù nền kinh tế nước này đang bước sang giai đoạn "bình thường mới".

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Trương Cao Lệ ngày 25/3 tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.

Theo đó, ông Trương nhấn mạnh, nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định dù đã có những bước chuyển lớn trong mô hình, cơ cấu và sức bật nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trì trệ, GDP củ Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm 2016, đóng góp tới hơn 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu với tỷ lệ việc làm tốt hơn dự báo.
 

Toàn cảnh lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.
Toàn cảnh lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.


 
Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc, mức tăng trưởng này nằm trong phạm vi thích hợp với việc cải thiện chất lượng và hiệu quả cũng nư tiến triển trong việc cải thiện đời sống người dân.

Bên cạnh đó, việc cải cách cơ cấu bên cung đã đạt được những kết quả ban đầu khi giảm được năng suất trong lĩnh vực than đá và sản xuất thép, lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ lại đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Trương Cao Lệ cho rằng sự cải cách đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ duy trì bình ổn tăng trưởng, thúc đẩy cải cách, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân và kiểm soát các nguy cơ nhằm đảm bảo phát triển ổn định và vững mạnh trong năm nay.

Việc lãnh đạo chính phủ Trung Quốc khẳng định các "giá trị kinh tế vững mạnh" của nước này cho thấy dường như họ mang tính tự trấn an chính mình nhiều hơn trong bối cảnh các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với nền kinh tế nước này.

Gần đây nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC) nhận định, rủi ro tài chính vẫn gia tăng ở Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế của nước này có thể hạ xuống 6,5% trong năm nay.

OEDC cho rằng Bắc Kinh cần khẩn trương giải quyết các khoản nợ doanh nghiệp đang leo cao, sản lượng công nghiệp dư thừa và “bong bóng” giá cả trong thị trường bất động sản cùng các thị trường tài sản khác - yếu tố vốn làm gia tăng nguy cơ “vỡ nợ mất kiểm soát”.

Tổ chức này cũng nhận định, giá bất động sản gia tăng, đầu tư đòn bẩy và nợ quá cao trong khu vực doanh nghiệp là các nguy cơ đặt ra cho sự ổn định tài chính của Trung Quốc, dù nước này đang thực hiện một số biện pháp cắt giảm thuế để hạ bớt gánh nặng đặt lên doanh nghiệp.

Đầu năm nay, hãng tin CNNMoney cho hay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 26 năm qua và có lẽ năm 2017 sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Theo dự báo, các động thái kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản ở một số thành phố lớn được dự báo sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã sử dụng hàng trăm tỷ USD nhằm hỗ trợ đồng Nhân dân tệ, vốn đang chịu rất nhiều áp lực từ dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế.

theo baodatviet


Ý kiến bạn đọc