Tung đủ "chiêu trò", Kim Jong Un vẫn nhận thông điệp sắc lạnh

10:12, 27/04/2016
|

(VnMedia) - Triều Tiên trong thời gian qua rõ ràng đã tung ra đủ mọi “chiêu trò” có thể nhằm gây sức ép buộc Mỹ và nước láng giềng Hàn Quốc phải nhượng bộ họ. Tuy nhiên, thay vì đạt được mục đích, chính quyền của Chủ tịch trẻ Kim Jong Un lại nhận được thông điệp cứng rắn và sắc lạnh.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mỹ hôm qua (26/4) cảnh báo, nước này sẽ tính đến các lựa chọn “khác”, trong đó có thể bao gồm những biện pháp trừng phạt mới hoặc các bước đi an ninh mới, nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trước đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng dường như đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới sau khi Mỹ miêu tả vụ phóng tên lửa loại này hồi đầu tháng của Triều Tiên là thất bại “thảm hại”.

Ngoài ra, tin đồn cũng đang rộ lên về việc Bình Nhưỡng sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân, có thể là trước khi diễn ra đại hội của Đảng Lao động Triều Tiên vào đầu tháng Năm.

Phản ứng trước những thông tin liên tiếp như trên, Tổng thống Barack Obama cho biết, Mỹ đang nỗ lực thực hiện mục tiêu bảo vệ mình và các nước đồng minh trước những mối đe doạ tiềm năng từ Triều Tiên - quốc gia mà ông chủ Nhà Trắng miêu tả là “thất thường” với một nhà lãnh đạo “vô trách nhiệm”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS ngày hôm qua, ông Obama tuyên bố, Mỹ đang dành nhiều thời gian hơn cho kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa nhằm tạo ra một tấm lá chắn có thể “ít nhất là phong toả được những mối đe doạ cấp thấp” gây ra từ Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, không có những hành động gây bất ổn trong khu vực. Ông này cũng cho biết, Washington sẽ xem xét các lựa chọn “khác” nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.

Ông Toner nhấn mạnh, những bước đi trước đây của Mỹ bao gồm các biện pháp an ninh và trừng phạt nhưng ông này từ chối không nói rõ những lựa chọn khác ở đây là gì.

"Tôi nghĩ, mọi việc rất rõ ràng, nếu Triều Tiên tiếp tục đưa ra những quyết định mà chúng tôi tin là phản tác dụng thì chúng tôi cũng buộc phải tiếp tục xem xét các lựa chọn để đáp trả”, phát ngôn viên Toner cho biết trong một cuộc họp báo định kỳ.

Khi được hỏi những lựa chọn đó là gì, ông Toner cho biết thêm, “chúng tôi không muốn thông báo bất kỳ điều gì trước khi lựa chọn này được xem xét đầy đủ và được quyết định”.

Hôm 6/1, Triều Tiên đã gây rúng động thế giới bởi một vụ thử hạt nhân mới – vụ thử hạt nhân thứ tư đầy bất ngờ. Và một tháng sau đó, Triều Tiên lại tiếp tục thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa. Vụ việc này đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Kết quả là Bình Nhưỡng phải hứng chịu gói lệnh trừng phạt hà khắc nhất, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng một loạt các biện pháp trừng phạt riêng lẻ khác từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản….

Tuy nhiên, những đòn trừng phạt chẳng khiến Bình Nhưỡng lùi bước. Kể từ đó đến nay, Triều Tiên vẫn tiếp tục thực hiện các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp, mới đây nhất là một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Hôm 15/4, Triều Tiên đã thất bại trong một vụ thử tên lửa được cho là Musudan – một tên lửa có tầm bắn hơn 3.000km. Tên lửa này nếu thử thành công có thể bắn tới Nhật Bản và về mặt lý thuất là cả lãnh thổ Guam của Mỹ.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Hàn Quốc cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên có thể sẽ tìm cách tiến hành một vụ thử tên lửa Musudan nữa.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun từ chối xác nhận thông tin của Yonhap nhưng cho biết quân đội Triều Tiên sẽ đầu tư thời gian để tìm cách khắc phục những vấn đề sau vụ thử tên lửa Musudan thất bại.

Bình Nhưỡng rõ ràng đang dùng một loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân để gây sự chú ý của cộng đồng thế giới và từ đó tìm cách gây áp lực buộc Mỹ, Hàn Quốc phải nhượng bộ với họ trong các vấn đề liên quan đến hiệp định hoà bình, chương trình hạt nhân và viện trợ.

Tuy nhiên, dù dùng đủ mọi “chiêu trò”, Triều Tiên không những không khiến Mỹ, Hàn nhượng bộ mà còn khiến hai nước này thêm cứng rắn với họ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc