Nga triển khai "binh hùng tướng mạnh" tới Bắc Cực

17:03, 26/04/2016
|

(VnMedia) - Phó tư lệnh Lực lượng Phòng không Vũ trụ Nga cho biết, nước này đã triển khai các hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir- S1 và có kế hoạch triển khai máy bay đánh chặn MiG-31 tại Bắc Cực.

Thiếu tướng Kirill Makarov nói với đài phát thanh Nga rằng: “Chúng tôi đã triển khai 3 hệ thống phòng không Pantsir và có kế hoạch triển khai máy bay đánh chặn MiG-31 tới sân bay của Nga ở Bắc Cực”. Phó tư lệnh Makarov cho biết thêm rằng,  các máy bay đánh chặn MiG-31 có thể bảo vệ các tàu chiến của Nga di chuyển dọc tuyến đường biển phương bắc trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào.

Ngoài ra, ông Makarov còn cho biết thêm rằng các hệ thống vũ khí phòng thủ không gian của Nga đã đảm bảo sự bảo vệ gần 100% khu vực Moscow đối phó với một cuộc tấn công tiềm năng từ trên không.

Pantsir-S1 (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S do Viện thiết kế KBP ở thành phố Tula nghiên cứu chế tạo năm 1994 và lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS-1995. Từ đó, hệ thống được hiện đại hóa đáng kể, biến thể mới nhất đã được trưng bày tại triển lãm MAKS-2007.

Mỗi tổ hợp phòng không Pantsir-S1 gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất - đối - không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.

Các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 thường được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400.

Hệ thống Pantsir-S1 được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu. Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới không có loại tổ hợp tương tự cùng loại nào. Tên lửa phóng ra từ tổ hợp tên lửa loại này có thể đánh chặn tối đa 10 mục tiêu cùng một lúc trong thời gian 1 phút. Hệ thống điều khiển hỏa lực của tổ hợp tên lửa Pantsir-S1 bao gồm trạm radar phát hiện mục tiêu và 2 trạm radar theo dõi, hai ống phóng nòng kép 2A38M cỡ 30 mm và 12 tên lửa siêu âm 57E6-E đất - đối - không.

Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất, với diện tích phản xạ radar nhỏ nhất là 2 cm2 tới 3 cm2, và tốc độ lớn nhất lên tới 1300 m/s.

Tên lửa của tổ hợp Pantsir-S1 có tầm bắn tối đa là 20 km và trần bay 15 km ngay cả khi hệ thống đang di chuyển và đây chính là một trong những ưu điểm vượt trội của nó. Thậm chí, theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.

Trong khi đó, Mikoyan MiG-31 là loại máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển cho Không lực Nga. MiG-31 được mệnh danh là huyền thoại đánh chặn của Không lực Nga.
 
Đây là một mẫu máy bay đánh chặn cao cấp do Phòng thiết kế Mikoyan thiết kết và chế tạo. Nó được triển khai và phát huy hiệu quả mạnh mẽ trên chiến trường của Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã.
 
Máy bay tiêm kích chiến lược MiG-31 là một hệ thống vũ khí đường không được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược thuộc lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga. Nó được thiết kế và triển khai nhằm đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm xa từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược, và các hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân từ quĩ đạo thấp của Không quân Mỹ.
 
Loại tiêm kích này được trang bị nhiều tính năng hiện đại như hệ thống điện tử, dữ liệu kỹ thuật số, ra-đa đa năng với hệ thống kiểm soát vũ khí cực mạnh. 
 
MiG-31 có thể tự tìm kiếm và hạ gục các mục tiêu trên không mà không cần đài chỉ huy từ mặt đất. Loại ra-đa mới cho phép nó có thể phát hiện mục tiêu máy bay chiến lược từ cách xa 500 km và 200 km đối với các máy bay tiêm kích, hay tên lửa có cánh, kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

MiG-31 được sản xuất từ năm 1979 đến 1992 với số lượng hơn 500 chiếc. Hiện nó vẫn là con át chủ bài của Không lực Nga.


Ý kiến bạn đọc