Lá chắn tên lửa Mỹ không chịu nổi "đòn" của Nga

13:22, 17/12/2015
|

(VnMedia) - Hệ thống lá chắn tên lửa hiện tại của Mỹ không đủ năng lực để có thể chịu nổi một cuộc tấn công toàn diện của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Nga (ICBM), Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga hôm qua đã tuyên bố một cách đầy tự tin như vậy tại cuộc họp báo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự Nga, “kể cả về tiềm năng hỏa lực lẫn năng lực tích hợp dữ liệu qua hệ thống máy tín của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang triển khai hiện nay” đều không thể vô hiệu hóa được một cuộc tấn công ồ ạt từ bộ ba hạt nhân của Nga, Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga – Thượng tướng Sergey Karakaev hôm qua (16/12) đã cho các phóng viên biết như vậy.

Ông Karakaev đã đề cập đến việc giới chuyên gia Mỹ tin rằng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả phải bao gồm nhiều loại tên lửa đánh chặn được tích hợp với nhau, dù bằng công nghệ laser hay động lực học, và được triển khai ở tất cả các môi trường, trong đó có vũ trụ. Một hệ thống lá chắn tên lửa nhiều tầng, nhiều lớp như vậy có thể đối phó với các tên lửa trên không và các đầu đạn trong vũ trụ.

Ông Karakaev cho hay, các kế hoạch phát triển dài hạn của Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga đã được sửa đổi theo hướng có tính đến quy mô và tốc độ phát triển được dự báo của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Cụ thể, Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga có kế hoạch áp dụng những phương tiện và kỹ thuật tối tân nhất và hiệu quả nhất để có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào”.

Các tên lửa đạn đạo thế hệ tiếp theo sở hữu những đặc tính đột phá và có thể mang nhiều phương tiện mới để có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Điều này đảm bảo cho chúng khả năng có thể vô hiệu quả những mối đe dọa tiềm tàng đang nổi lên, Thượng tướng của Nga tiết lộ.

Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạt nhân hiện đại hiện giờ đang chiếm tới 56% kho vũ khí hạt nhân của Nga và dự kiến vào năm 2020, toàn bộ hệ thống tên lửa đạn đạo lỗi thời sẽ được thay thế bởi những hệ thống mới, ông Karakaev cho biết. Vị quan chức này đã được thông báo về việc quá trình nghiên cứu và phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng mới có tên gọi là Sarmat đã được hoàn tất. Theo kế hoạch, năm tới, Nga sẽ tiến hành thực hiện các vụ thử trên quy mô toàn diện đối với hệ thống tên lửa mới Sarmat tại căn cứ quân sự Plesetsk.


Ý kiến bạn đọc