Trung Quốc cảnh báo viễn cảnh ớn lạnh nhất với Mỹ ở Biển Đông

20:03, 31/10/2015
|

(VnMedia) - Tư lệnh Hải quân Trung Quốc – Đô đốc Wu Shengli hôm qua (30/10) đã lên tiếng cảnh báo Chỉ huy các Chiến dịch Hải quân của Mỹ - Đô đốc John Richardson, rằng bất kỳ “hành động nguy hiểm hay khiêu khích nào” của Hải quân Mỹ đều có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông.

Đây sẽ là viễn cảnh ớn lạnh nhất, đáng sợ nhất nếu nó xảy ra ở vùng biển chiến lược hàng đầu thế giới.

Trung Quốc vừa tung ra lời cảnh báo sắc lạnh nhất đối với Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc vừa tung ra lời cảnh báo sắc lạnh nhất đối với Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

"Nếu Mỹ tiếp tục những hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích như vậy thì có thể sẽ dẫn đến một tình huống nguy cấp một cách nghiêm trọng xảy ra giữa hai lực lượng ở tuyến đầu, cả trên biển và trên không  – một tình huống mà một vụ việc nhỏ cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh", tuyên bố của Hải quân Trung Quốc cho biết sau hội nghị trực tuyến giữa giới tướng lĩnh hai nước Mỹ, Trung diễn ra hôm 29/10.

"Tôi hy vọng phía Mỹ sẽ duy trì một tình huống tốt đẹp giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc – một tình huống không dễ mà có được và nó sẽ giúp tránh xảy ra những vụ việc như trên”, ông Wu đã nói như vậy.

Phát biểu trên là lời cảnh báo cứng rắn nhất, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc nhằm vào Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Sĩ quan cấp cao của hải quân hai nước Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành gặp gỡ nhau sau khi Mỹ đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý so với một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông bất chấp những cảnh báo liên tiếp được giới chức Trung Quốc tung ra. Hành động của Mỹ là nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã cảnh báo Washington không được có những hành động cố ý mang tính khiêu khích trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vốn đã rất căng thẳng.

Trong cuộc gặp gỡ mới nhất, quan chức hải quân hai nước Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí với nhau về sự cần thiết phải tuân theo các thủ tục được thiết lập trong Bộ Quy tắc ứng xử cho các vụ đụng độ ngoài ý muốn trên biển (CUES).

"Họ đã nhất trí với nhau rằng, việc hai bên tiếp tục duy trì các thủ tục theo bộ quy tắc CUES là rất quan trọng để tránh sự hiểu lầm hay bất kỳ hành động khiêu khích nào xảy ra”, một quan chức Mỹ cho hay.

Đô đốc Wu Shengli cho hay, ông tin là hải quân hai nước Mỹ, Trung có nhiều cơ hội để hợp tác và cả hai nên “đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông".

Liên minh Châu Âu ủng hộ hành động thách thức Trung Quốc của Mỹ ở Biển Đông

Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (30/10) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Mỹ trong việc tiến hành các chuyến đi tuần tra của tàu chiến nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này được cho là có thể sẽ gây ảnh hưởng đến những cuộc thảo luận giữa Brussels với Bắc Kinh tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước Á-Âu dự kiến diễn ra vào tuần tới.

"Mỹ đang thực thi quyền tự do hàng hải”, một quan chức cấp cao của EU đã nói như vậy tại cuộc họp báo, thể hiện sự ủng hộ với hành động của Mỹ.

EU lâu nay vẫn tỏ rõ sự quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh trong việc cấp tập tiến hành các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông, vị quan chức EU cho hay.

"Trong khi không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp, EU cam kết sẽ bảo vệ, duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cụ thể là được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, một phát ngôn viên về đối ngoại của EU cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố trên của EU chắc chắn sẽ được hoan nghênh bởi các nước Châu Á đang phản đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền đến gần như toàn bộ Biển Đông.

Sự lên tiếng của EU là rất đáng chú ý bởi lâu nay liên minh này vẫn rất chăm chút cho mối quan hệ của họ với Bắc Kinh với hy vọng sẽ thu hút được các nguồn vốn của Trung Quốc cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế đang trì trệ ở khu vực đồng euro. EU đang đàm phán một thỏa thuận đầu tư và thương mại với Trung Quốc.

Trong một động thái khiến Washington không hài lòng, các chính phủ EU còn quyết định gia nhập vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc chủ trì.

Ngoại trưởng các nước Châu Âu và Châu Á sẽ tụ họp ở Luxembourg vào tuần tới để dự hội nghị ASEM – một sự kiện thường kỳ kết nối toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU với 21 nước Châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước trong khu vực “phát sốt” mà còn gây quan ngại sâu sắc với cộng đồng thế giới.

Vân Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc