Tàu chiến "quần nhau" ở Biển Đông, thế giới nín thở

09:20, 31/10/2015
|

(VnMedia) - Cộng đồng thế giới tuần qua đã không tránh khỏi cảm giác lo ngại khi chứng kiến tàu chiến của hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ, Trung bám đuổi, vờn nhau ở Biển Đông – một trong những vùng biển nóng bỏng nhất thế giới hiện giờ.

Biển Đông hiện tại trở thành
Biển Đông hiện tại trở thành "chiến trường" chứng kiến cuộc đấu quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và và Trung Quốc được châm ngòi từ sự kiện chính quyền của Tổng thống Barack Obama quyết định điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây được xem là hành động thách thức cao độ và cũng là phép thử lớn nhất từ trước đến nay của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Khu vực mà Mỹ đưa tàu chiến USS Lassen cùng máy bay do thám vào là bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Quân đội Mỹ cho biết, tàu chiến của họ đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tra ở khu vực mà không gặp sự cố gì.

Tuy nhiên, bước đi quyết liệt trên của Mỹ đã khiến Trung Quốc sục sôi tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ đã cử lực lượng tàu hải quân theo dõi, bám theo và cảnh báo tàu chiến của Mỹ sau khi tàu USS Lassen đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự nhận là của mình một cách phi lý. Giới chức và truyền thông Trung Quốc liên tiếp tung ra những lời chỉ trích, lên án và cả cảnh báo. Bắc Kinh miêu tả hành động của Mỹ là “một sự đe doạ đối với chủ quyền của Trung Quốc”, khuyên Washington hãy hành động một cách thận trọng và cảnh báo sẽ tung “mọi đòn” ra để đáp trả hành động của Mỹ.

Sự kiện Mỹ đưa tàu khu trục vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông đã một lần nữa làm dấy lên sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến khu vực biển vốn đang ẩn chứa nhiều nguy cơ đối đầu, xung đột. Biển Đông hiện tại đang là một trong những điểm nóng bỏng nhất của thế giới bởi nó không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải căng thẳng giữa Trung Quốc với 4 nước láng giềng Đông Nam Á và một vùng lãnh thổ trong khu vực mà còn là nơi chứng kiến cuộc đối đầu, đua tranh quyết liệt giữa các cường quốc lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc trong những năm gần đây đang gây lo ngại cho các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung khi thể hiện tham vọng muốn giành quyền kiểm soát Biển Đông. Đặc biệt, trong thời gian qua, Trung Quốc đã cấp tập tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Một loạt đảo nhân tạo đã được Trung Quốc dựng lên ở những khu vực vốn không phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Điều đáng nói là trên các đảo nhân tạo đó xuất hiện một số cơ sở hạ tầng có thể phục vụ cho mục đích quân sự, cụ thể là có sân bay dành cho các máy bay ném bom.

Diễn biến này khiến giới chuyên gia, phân tích nhận định rằng, Bắc Kinh rõ ràng đang thúc đẩy kế hoạch kiểm soát Biển Đông thông qua việc mở rộng tầm vươn của quân đội Trung Quốc ở khu vực.

Biển Đông là một vùng biển chiến lược có tính quan trọng sống còn đối với thế giới. Hơn 30% giao dịch thương mại của thế giới, trị giá lên tới 5.000 tỉ USD, đi qua khu vực Biển Đông. Vì vậy, việc bất kỳ một nước nào có ý định kiểm soát Biển Đông đều là điều khiến cộng đồng thế giới phải lo ngại.

Mỹ lâu nay vốn thận trọng trong vấn đề Biển Đông, né tránh công khai chỉ trích trực diện Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách này giờ đây đã thay đổi khi Mỹ không ngần ngại thách thức thẳng thừng những đòi hỏi chủ quyền phi lý và không có cơ sở của Trung Quốc.

Việc Mỹ đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông là một bước đi đã được giới chức chính quyền của Tổng thống Barack Obama cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng. Nó cũng được thực hiện dưới sức ép ngày càng mạnh mẽ của giới chức Mỹ đòi nước họ phải thể hiện lập trường với những động thái mỗi lúc một táo tợn hơn của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Lâu nay, nhiều quan chức Mỹ vẫn thúc giục giới chức của họ phải hành động trước khi để tình hình trở nên quá muộn ở Biển Đông.

Thông điệp mà Mỹ muốn nhắn gửi đến Trung Quốc thông qua sự hiện diện của tàu khu trục USS Lassen ở Biển Đông lần này là Mỹ không công nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với các khu vực xung quanh những đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc. Luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ rằng, việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực bãi đá trước đây từng bị ngập dưới mặt biển không giúp một quốc gia xác lập chủ quyền ở nơi đó.

Cũng thông qua sự kiện điều tàu chiến đến phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ muốn cho Trung Quốc thấy rõ quyết tâm của siêu cường số 1 thế giới trong việc bảo vệ sự tự do hàng hải, tự do bay trên bầu trời và tự do giao thương ở Biển Đông.

Cao hơn nữa, hành động mới nhất của Mỹ thực chất là một lời “tuyên chiến” của nước này với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi Trung Quốc đang muốn vươn lên vị thế bá chủ khu vực thì Mỹ cũng quyết không để mất đi thế độc tôn mà họ duy trì bao lâu nay. Cuộc đấu này thực tế đã ngấm ngầm diễn ra lâu nay và nó đã bộc phá ở Biển Đông. Người ta tin rằng, Biển Đông sẽ là nơi hai nước Mỹ, Trung quyết định sự thắng bại trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của họ.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc