Xử lý thế nào người chém hàng chục kính chiếu hậu ôtô ở Sài Gòn?

07:47, 29/10/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi của đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm chém liên tiếp vào gương chiếu hậu của những ôtô đang tham gia giao thông gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu và gây mất trật tự an toàn giao thông.

Thanh niên cầm khúc cây tiếp cận các ôtô đang chạy. Ảnh: Cắt từ clip.
Thanh niên cầm khúc cây tiếp cận các ôtô đang chạy. Ảnh: Cắt từ clip.

Tối 28/10, lực lượng chức năng quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đang tạm giữ Nguyễn Đình Long (29 tuổi, ngụ Bình Thạnh) để điều tra vụ dùng hung khí chém hư hỏng nhiều kính chiếu hậu của ôtô chạy trên địa bàn.

Trước đó, mạng xã hội đăng tải clip quay cảnh nam thanh niên mặc đồ đen, đeo kính, không đội nón bảo hiểm lái chiếc tay ga hiệu Attila chạy trên đường Đinh Bộ Lĩnh, TP.HCM. Mắt anh ta dáo dác tìm những chiếc ôtô chạy trên đường. Người này sau đó cầm khúc hung khí chém liên tiếp vào những ôtô anh ta thấy trên đường.

Ngoài ra, nam thanh niên này còn có những biểu hiện bất thường như dừng lại sau đuôi chiếc ô tô mang biển số tỉnh Bình Dương rồi rút một vật gì đó ở biển số xe.

Nhiều người sau khi xem đoạn ghi hình đã bất bình trước hành động của nam thanh niên trên. Một số khác cho rằng kẻ này đã bị “ngáo đá” nên mới làm việc này.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Sở hữu là một quyền thiêng liêng được Nhà nước bảo hộ. Quyền sở hữu được quy định và bảo hộ trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp,.. Tội phạm xâm hại quyền sở hữu là những hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và sự thiệt hại này phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi gây ra.

Hành vi của đối tượng đã điều khiển xe mô tô trên đường, sử dụng hung khí nguy hiểm chém liên tiếp vào gương chiếu hậu của những ôtô đang tham gia giao thông gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu và gây mất trật tự an toàn giao thông.

Luật sư Thơm cho biết: Xét hành vi vi phạm của đối tượng không những đã xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm hại đến trật tự giao thông đô thị, trật tự quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự.

Hành vi của đối tượng đã xâm hại đến quyền sở hữu tài sản có dấu hiệu phạm tội Cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

"Để có căn cứ xử lý đối tượng về hành vi này, các chủ sở hữu tài sản cần phải trình báo thiệt hại về tài sản do đối tượng gây ra để Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu Cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nếu thiệt hại từ 02 triệu trở lên thì đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với Điều 143 BLHS", luật sư Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm, trong trường hợp đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng sử dụng chất ma túy thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra theo Điều 14.

Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại tài sản, đối tượng còn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi:

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về hành vi vi phạm: + Vi phạm điểm I, khoản 3 Điều 6: điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm với mức phạt từ 100.000 đồng đên 200.000 đồng;

+ Vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 17 không có gương chiếu hậu với mức phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự theo khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ (mã tấu) với phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Điều 143.Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc