Người đánh chết "cẩu tặc" sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự

20:50, 18/10/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, xét hành vi đánh chết đối tượng trộm chó, nếu là tài sản của mình bị mất trộm thì được xem là Người bị hại có lỗi. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi đánh chết trộm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự...

Khu vực nơi xảy ra vụ việc trộm chó tử vong.
Khu vực nơi xảy ra vụ việc trộm chó tử vong.

Trước đó, vào trưa 12/10, Nguyễn Ngọc Ban cùng Lê Văn Hòa (cùng ở xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đi trộm chó ở địa bàn huyện Phú Xuyên. Sau khi câu trộm được 4 con chó, Hòa và Ban bị người dân phát hiện, đuổi đánh.

Khi bỏ chạy đến cầu máng Bảy, thuộc xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên), Ban bị đánh gục, tử vong tại chỗ, còn Hòa thì chạy thoát. Lê Văn Hòa đã tới UBND xã Quang Trung trình báo và khai nhận việc đi trộm chó bị đánh.

Tại hiện trường, Nguyễn Ngọc Ban (28 tuổi) đã tử vong, trên người có thương tích. Cạnh nơi Ban tử vong, cơ quan điều tra phát hiện chiếc xe máy 2 đối tượng sử dụng, súng tự chế bắn điện và 1 bao tải có 4 con chó.

Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra đã tạm giữ 2 công dân của xã bị tình nghi xô xát với trộm chó dẫn tới án mạng. Hai người bị tạm giữ là anh Nguyễn Văn Thức (SN 1974) và anh Hoàng Văn Tài, cùng trú ở thôn Lạt Dương, xã Hồng Thái.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nộ) cho biết: Gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ đánh chết kẻ trộm chó hoặc nghi ngờ kẻ bắt trộm chó. Đã có rất nhiều vụ án được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử các bị cáo về các hành vi liên quan đến việc xâm hại tính mạng người khác. Đó là do bắt quả tang hoặc do nghi ngờ trộm chó, người dân hành hung nghi phạm dẫn đến hậu quả rất thương tâm cho Bị hại và gia đình các Bị cáo. Người trộm chó thì bị đánh đập dã man, còn người thực hiện hành vi đánh chết người cũng phải chịu hình phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Như vậy có thể hiểu, tính mạng con người là điều cao quý nhất của cuộc sống. Mọi hành vi tước đoạt quyền được sống của người khác đều bị pháp luật xử lý nghiêm minh, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 15 và Điều 16 Bộ luật Hình sự.

"Người dân chỉ vì bức xúc với hành vi bắt trộm chó của 2 đối tượng nên đã thiếu kiềm chế, họ đuổi và dùng vũ lực hoặc dùng hung khí đánh gây tử vong cho 1 đối tượng trộm chó. Trong vụ án này, 2 đối tượng đã có hành vi bắt trộm 4 con chó. Nếu kết luận định giá tài sản 4 con chó từ 2 triệu đồng trở lên thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật Hình sự.

Nếu 4 con chó có giá dưới 2 triệu thì các đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...", luật sư Thơm nói

Cũng theo luật sư Thơm, xét hành vi của những người dân đã sử dụng vũ lực, ngoài những trường hợp cho phép theo quy định của pháp luật, xâm phạm đến tính mạng người khác gây hậu quả chết người là đã có dấu hiệu phạm tội giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự.

“Xét hành vi đánh chết đối tượng trộm chó, nếu là tài sản của mình bị mất trộm thì được xem là Người bị hại có lỗi. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi đánh chết trộm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng với bản chất hành vi phạm tội.

Trường hợp người dân đánh chết trộm chó không phải là tài sản của mình mà do bị kích động, bức xúc thay cho những người chủ sở hữu thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung theo điểm n “có tính chất côn đồ”, luật sư Thơm nhận định.

Từ vụ việc xảy ra ở trên, luật sư Thơm khuyến cáo: khi phát hiện đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì bất cứ người dân nào cũng có quyền bắt giữ người phạm tội quả tang và ngay sau đó phải áp giải hoặc thông báo ngay cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Không vì bức xúc mất tài sản mà xâm phạm đến tính mạng người phạm tội. Suy cho cùng tài sản cũng không thể cao quý bằng tính mạng con người. Đối với trường hợp phát hiện thấy đối tượng trộm cắp tài sản, người dân có thể thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp trấn áp tội phạm theo quy định của pháp luật.

"Người dân không nên quá manh động, tự mình thay cho pháp luật xử lý người phạm tội. Ngay cả các cơ quan chức năng cũng không được quyền xâm phạm tính mạng người phạm tội trong khi thi hành công vụ, trừ những trường hợp luật cho phép”, luật sư Thơm nói.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc