Để học sinh "ngồi nhầm lớp", Quảng Trị bị phê bình

07:10, 14/04/2015
|

(VnMedia) - Liên quan đến việc học sinh không biết chữ vẫn được nhà trường cho lên lớp tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phê bình và yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Trị chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng trên.

Bộ GD&ĐT cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin báo chí phản ánh tình trạng một số học sinh đang học tại trường Tiểu học A Túc và trường Tiểu học &Trung học cơ sở A Dơi thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không biết đọc, biết viết..., Bộ GD&ĐT đã cử đoàn công tác vào làm việc và cùng với đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị và Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa trực tiếp đến 2 trường này để xác minh và chỉ đạo.

Qua trao đổi và làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu, giáo viên, cha mẹ học sinh và kiểm tra thực tế đã khẳng định nội dung báo chí phản ánh là đúng sự thật.

Ảnh minh họa

Trường Tiểu học A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi có học sinh "ngồi nhầm lớp".


Cụ thể như sau, tại Trường Tiểu học A Túc: Ba em học sinh Hồ Văn Thế, Hồ Văn Quyền (học sinh lớp 5) và Hồ Văn Thùy (học sinh lớp 4) không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Phòng khám khu vực vùng Lìa và Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa có giấy chứng nhận đây là ba học sinh khuyết tật; các em được học hòa nhập. Trong đó, em Hồ Văn Thùy và Hồ Văn Thế có vấn đề về thần kinh, ảnh hưởng đến học tập và em Hồ Văn Quyền bị điếc bẩm sinh, khó khăn về nói, thần kinh chậm phát triển - xếp loại sức khỏe loại 5.

Học sinh Hồ Xuân Luật, năm học 2013-2014 thực tế không bỏ học nhưng thường xuyên không đến trường. Tuy nhiên cuối năm học em Luật vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi: Ba em học sinh Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn (học sinh lớp 7) khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Chưa đảm bảo được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng của học sinh ở trình độ lớp 7.

Bộ GD&ĐT cho rằng: “Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên dạy và đánh giá học sinh qua từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh với Ban giám hiệu nhà trường, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh”.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, qua trao đổi cũng thấy rõ Sở và Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các trường buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng giáo dục: Trường Tiểu học A Túc không có hồ sơ giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật, không có giải pháp riêng phù hợp với đặc điểm sức khoẻ và khả năng nhận thức của các em, cũng không có các biện pháp phối hợp với gia đình để theo dõi, giúp đỡ các em học sinh này.

Cả hai nhà trường đều không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh từ giáo viên dạy năm học trước (lớp dưới) cho giáo viên dạy năm học sau (lớp trên), từ tiểu học lên trung học cơ sở. Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng trị không chỉ đạo nghiêm túc việc này; Công tác thanh, kiểm tra hàng năm của các cấp quản lý giáo dục địa phương không phát hiện được hoặc đã bỏ qua những thiếu sót của giáo viên và nhà trường trong nhiệm vụ dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Để từng bước khắc phục và không tái diễn tình trạng trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị khẩn trương chỉ đạo Trường Tiểu học A Túc và Trường Tiểu học & Trung học cơ sở A Dơi khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Hiệu trưởng 2 trường cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lí chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh ; xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”; bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng; cuối năm học tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục theo đúng quy định...

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Quảng Trị rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc