Hà Nội xây cầu Long Biên mới cách cầu cũ 75m

17:39, 11/04/2015
|

(VnMedia) - Theo lãnh đạo Hà Nội, phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ và dễ kết nối với mạng lưới giao thông đô thị...

>>
Hà Nội báo cáo phương án xây cầu Long Biên mới
>> Bộ Giao thông muốn xây cầu mới để bảo tồn cầu Long Biên -
>> Cà phê cầu Long Biên: Lãng mạn, khó khả thi?
>> Khó có thể nghĩ Hà Nội thiếu hồ Gươm và cầu Long Biên !

Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa trình Chính phủ phương án xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m...

Theo đó, tuyến đường sắt này đi trùng với nền tuyến đường sắt quốc gia dọc đường Phùng Hưng, sau đó chuyển hướng đi vào đường Hàng Đậu, cắt qua đê sông Hồng và chợ Long Biên vượt qua sông Hồng sau đó chuyển hướng đi trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có.

Theo UBND Hà Nội, việc lựa chọn vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cho tuyến đường sắt đô thị số 1 đã được thành phố tiến hành thận trọng trên cơ sở xem xét đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế-kỹ thuật, văn hóa, lịch sử khu phố cổ và cầu Long Biên cũ.

Thành phố cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về các phương án xây dựng cầu và đã nhận được nhiều sự đồng thuận đối với phương án vị trí cầu cách cầu Long Biên cũ 75m về phía thượng lưu.

“Phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ, kết nối với mạng lưới giao thông đô thị và mạng lưới giao thông công cộng khá thuận tiện và giảm bớt ảnh hưởng đến cầu Long Biên cũ,” báo cáo của UBND thành phố nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

  Đồ họa cầu Long Biên mới cách cầu cũ 75 mét.

Tại văn bản vừa trình lên lãnh đạo Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập, điều chỉnh dự án cần nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng cũng như ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học… để hoàn chỉnh phương án kiến trúc, kết cấu, bố trí các ga và các đường tiếp cận đảm bảo kiến trúc, cảnh quan, môi trường, hiệu quả kinh tế- xã hội và không ảnh hưởng nhiều đến cầu Long Biên.

Tiếp tục đề xuất phương án chưa nhận được sự đồng tình?

Xung quanh việc xây dựng cây cầu đường sắt này, trung tuần tháng 2/2014, Bộ Giao thông vận tải đưa ra 3 phương án xây mới và sửa cầu Long Biên. Phương án 1 là: xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời chín nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn....

Sau khi được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, các phương án do Bộ Giao thông vận tải đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của các chuyên gia và người dân về việc đòi phá bỏ cây cầu lịch sử của Hà Nội này.

Hơn 1 tuần sau khi được đưa ra lấy ý kiến, vấp phải nhiều quan điểm không đồng thuận về 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên, Bộ Giao thông vận tải lại kiến nghị UBND Hà Nội giữ lại nguyên trạng cây cầu gắn bó với lịch sử Thủ đô này và xây mới một cầu đường sắt cho tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi cách cầu cũ 30 mét.

Sau đó, sáng 28/2/2014, tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo giữ lại nguyên trạng cây cầu Long Biên, đồng thời giao các Bộ, ngành, thành phố Hà Nội sớm thống nhất địa điểm xây dựng cầu mới.

Sau kết luận của Thủ tướng, đến ngày 28/10/2014, UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về vị trí xây dựng cây cầu mới này. Tại hội thảo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI (Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT, đơn vị được giao nghiên cứu các phương án) đưa ra 3 phương án xây cầu đường sắt mới cho tuyến đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng gồm: cách tim cầu Long Biên 30m, 186 m hoặc 75 m về phía thượng lưu.

Tuy nhiên, sau khi 3 phương án này được đưa ra, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ quan điểm không đồng tình về 3 phương án xây cầu Long Biên mới này.

Theo Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, tổng hợp số lượng GPMB từ ba phương án trên cho thấy, phương án 2 số hộ phải GPMB là 885 nhà với 66.729 m2. Phương án 3 là 814 nhà trên tổng số 58.461 m2, tuy có giảm không đáng kể so với phương án 2 nhưng lại chiếm dụng toàn bộ không gian trên phố cổ Hàng Đậu và một phần phố Phùng Hưng.

Hơn nữa, việc xây dựng hàng trụ tại tim đường với cầu cao khoảng 9-10m, sau này mặt cắt ngang phố Hàng Đậu sẽ bị thu hẹp đáng kể, kể cả khi đã cắt xén một phần vỉa hè cũng chỉ đủ bố trí hai dải lưu thông hai bên bề rộng mỗi dải tối đa 3,5-4m.

Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, với mặt cắt ngang này khó đảm bảo lưu lượng xe lên cầu Long Biên hiện tại, sau khi được khôi phục, nâng cấp. Đồng thời việc chiếm dụng không gian phố Hàng Đậu là vi phạm chỉ giới khu phố cổ Hà Nội đã được quy định bảo vệ nghiêm ngặt là khó chấp nhận.
 
Mặt khác, với khoảng cách tim cầu Long Biên chỉ có 75 m, để bảo đảm tương quan kiến trúc, cảnh quan giữa hai cầu mới và cũ, cầu mới phải có sơ đồ và dạng kết cấu được lựa chọn phù hợp, tuân thủ những nguyên tắc thiết kế kiến trúc được quy định ngay từ đầu. 
 
Vì vậy, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đề nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội yêu cầu tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các vấn đề nêu trên, lập bảng so sánh tổng hợp với đầy đủ thông tin khách quan, chính xác để các cấp thẩm quyền và công luận có thể xem xét đầy đủ trước khi quyết định.

Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc