Hà Nội đồng loạt chặt hạ cây xanh để trồng mới

15:59, 11/03/2015
|

(VnMedia) - Hàng trăm cây cổ thụ lâu năm ở các tuyến phố của Hà Nội đang bị chặt hạ để trồng mới thay thế. Theo kế hoạch, hết quý I năm nay, nhiều hàng cây đã trồng hàng chục năm nay trên các tuyến phố khác cũng sẽ bị chặt hạ.

>>
Đã chặt gần 300 cây cổ thụ, Hà Nội còn chặt tiếp             
>>
Hà Nội lại chặt hạ hàng loạt cây cổ thụ             
>>
Hà Nội quản lý cây xanh: Thừa cảm xúc, thiếu chuyên nghiệp!             

Chiều 10/3, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, lãnh đạo UBND TP đã chấp thuận giao cho Công an TP và ngân hàng VP Bank thay thế cây không đúng chủng loại đô thị, cong nghiêng, sâu mục mất an toàn giao thông, không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng mỹ quan đô thị trên tuyến đường Nguyễn Chí Thành bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Theo ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài được trồng hai bên vỉa hè. Ngoài cây hoa sữa (228 cây), keo (81 cây), 13 loài còn lại có số lượng không đáng kể, tạo ra sự không đồng đều về chủng loại cây trên tuyến đường này.

“Sở Xây dựng đã đề xuất thay thế toàn bộ bằng cây Vàng Tâm dưới hình thức xã hội hóa là giao cho Công an thành phố và ngân hàng VP Bank triển khai và được thành phố chấp thuận”, ông Dục nói.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về công tác xã hội hóa thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thực hiện xã hội hóa việc thay thế cây xanh trên phố Huế và Hàng Bài bằng việc chặt hạ 115 cây, dịch chuyển 12 cây, trồng 117/125 cây thay thế. Cấp phép cho UBND quận Thanh Xuân xã hội hóa cây xanh trên tuyến đường Khuất Duy Tiến bằng việc chặt hạ 64 cây, dịch chuyển 20 cây, trồng 95 cây thay thế.

"Sở đã giao nhiệm vụ và cấp phép cho các đơn vị thực hiện xã hội hóa cây xanh trên một số tuyến đường phố phải hoàn thành vào quý I năm 2015", ông Dục cho biết.

  Ảnh minh họa

 Vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh trơ chụi sau khi hàng cây lâu năm bị chặt hạ, đào bỏ gốc để chuẩn bị trồng mới.

Sắp đồng loạt chặt hạ hàng nghìn cây xanh trên nhiều tuyến phố

Theo kế hoạch của Sở Xây dựng Hà Nội, để thực hiện kế hoạch xã hội hóa thay thế cây xanh, từ nay đến hết quý I năm nay, thành phố sẽ giao cho các đơn vị đồng loạt chặt hạ cây xanh không đúng chủng loại, cong nghiêng, sâu mục, mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến phố để trồng mới thay thế.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội sẽ được giao thay thế và trồng mới cây xanh trên phố Giảng Võ bằng việc chặt hạ 45 cây, trồng 68 cây; Trên phố Láng Hạ: chặt hạ 35 cây, trồng 46 cây); Đinh Tiên Hoàng: chặt 7 cây, trồng 8 cây.

Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất được giao thay thế cây trên phố Trần Nhân Tông bằng việc chặt hạ 73 cây, dịch chuyển 5 cây, trồng 64 cây.

Công ty Bình Minh Thăng Long, phố Ngô Thì Nhậm: chặt hạ 38 cây, trồng 33 cây.Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình, phố Điện Biên Phủ, chặt hạ 36 cây, trồng 35 cây.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và KĐT, đường Yên Phụ chặt hạ 30 cây, trồng 29 cây. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp, phố Trần Hưng Đạo chặt hạ 72 cây, trồng 69 cây. ….

Theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố được UBND thành phố Hà Nội thông qua, Sở Xây dựng đã đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành.

Nhiều tuyến phố của Hà Nội đang mất dần màu xanh

Đầu tháng 11/2014 sau khi có hàng chục cây cổ thụ trên đường Láng bị chặt hạ thì người Hà Nội lại xôn xao, tiếc nuối khi thấy hàng chục cây cổ thụ khác tiếp tục bị đốn gục trên đường Nguyễn Trãi nhằm phục vụ cho việc thi công tuyến đường sắt trên cao.

Theo thống kê của ông Lê Trung Ngọc - Phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cấp phép cho Ban quản lý dự án phát triển công trình đô thị chặt hạ 112 cây và dịch chuyển 91 cây để phục vụ xây dựng 7 nhà ga La Thành, Thái Hà, Láng, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê.

Tiếp đó là việc cấp phép chặt 7 cây và dịch chuyển 1 cây nằm trong mặt bằng thi công đường tránh Quốc lộ 6. Thời điểm đó, Ban Quản lý dự án đường sắt - Cục đường sắt Việt Nam cũng được cấp phép cắt tỉa 79 cây có cành vướng vào phạm vi thi công cẩu Long Môn.

Trước đó thành phố cũng đã cấp phép cho Ban quản lý Thăng Long (Bộ GTVT) chặt hạ 169 cây, dịch chuyển 27 cây trong mặt bằng xén hè, xém dải phân cách để thực hiện dự án xây dựng hầm chui Quốc hộ 6 nút giao Thanh Xuân.

Việc Hà Nội liên tiếp chặt hạ cây xanh để xây dựng các công trình giao thông và trồng mới đã khiến nhiều tuyến đường của Thủ đô trước đây rợp bóng cây nay trở nên chống chơ ở nhiều tuyến phố. Trên các tuyến phố đã bị chặt cây để làm các công trình giao thông hoặc trồng mới thay thế, người tham gia giao thông qua đây đều có cảm giác trống trải khác thường.

"Trước đây mỗi lần đi qua tuyến đường Nguyễn Chí Thanh tôi cảm thấy rất thoải mái và yên tâm nhưng chiều nay đi qua cảm giác cứ trống trải không an toàn. Quan sát kỹ mới thấy hàng cây bên ven đường đều bị chặt chất đống thành nhiều khúc, gốc thì đào bật lên không hiểu vì sao", anh Hùng, quận Đống Đa có việc đi qua đường Nguyễn Chí Thanh chiều 10/3 cho biết.

Theo anh Hùng mặc dù chủ trương trồng mới và thay thế những cây cũ không đúng chủng loại, bị cong, sâu... bằng những loại cây mới đẹp hơn là chủ trương đúng đắn và nên làm vì ở nhiều nước trên thế giới người ta cũng làm vậy. Tuy nhiên, để trồng được một hàng cây xanh như hiện nay mất không ít thời gian cho nên thành phố nên khoanh vùng làm dần, kéo dài thành nhiều năm trên nhiều tuyến phố đến khi cây xanh trồng mới ở tuyến phố này đủ to thì làm tiếp ở tuyến phố khác, làm như vậy sẽ giúp giữ lại bóng mát cho thành phố.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc