Clip mẹ ung thư từ biệt con lúc hấp hối chỉ là phim

16:01, 10/03/2015
|

(VnMedia) - Bác sĩ Chu Anh Tùng, trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện 175 cho biết, đây là một bộ phim được làm lại trên câu chuyện có thật. Những hình ảnh trong bộ phim không phải là hình ảnh thật của mẹ con sản phụ Trần Thị Nga….

>> Clip nghẹn ngào khoảnh khắc mẹ từ biệt con trước khi qua đời

Câu chuyện đau lòng

Nhiều giờ qua, một clip đã được cộng đồng mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt, và lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem.
 
Clip nói về một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, sau 5 năm cố gắng, cuối cùng đã mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Những tháng đầu của thai kỳ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của vợ chồng chị, với bao ước mơ về tương lai. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày hạnh phúc, ngóng trông ngày đứa con chào đời, ngày chị có thể sung sướng ngắm nhìn thiên thần của mình, có thể bế trong tay đứa con bé bỏng, ngày chị có thể cất tiếng hát ru hời…
 
Thế nhưng, cuộc đời đã quá khắc nghiệt với vợ chồng chị khi qua tháng thứ 5, chị phát hiện mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, đã di căn.
 
Theo các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, trong một cơ thể người mẹ đã quá yếu vì ung thư, việc cứu sống đứa trẻ non tháng là không thể. Vì thế, họ đã quyết định cho bệnh nhân ra viện. Tuy nhiên, có lẽ ông trời đã để đứa trẻ được sống, khi các bác sĩ bệnh viện quân y 175 đã có một quyết tâm đặc biệt: Còn nước còn tát.
 
Trong clip, đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc bệnh viện quân y 175 chia sẻ, việc điều trị cho bệnh nhân trong thời gian này là không còn khả năng, mà chỉ là điều trị giảm nhẹ.
 
Giành giật sự sống cho sinh linh bé nhỏ

“Tôi nghĩ, tại sao với điều kiện, khả năng của mình, tại sao mình không thử” - bác sĩ Trần Quốc Việt nói.
 
Khi thai nhi được 7 tháng, bệnh tình của sản phụ đã ở giai đoạn chỉ được tính bằng ngày. Nhưng với thai nhi, các bác sĩ chẩn đoán, em bé trong bụng vẫn còn quá yếu, khó có thể thực hiện một cuộc phẫu thuật sinh nở thông thường. Trong hoàn cảnh này, phương pháp duy nhất là kéo dài được sức khỏe của mẹ.
 
Khi tiếp nhận ca đặc biệt này, các y bác sĩ bệnh viện 175 đã xác định, bằng mọi cách phải duy trì sự sống của người mẹ, chờ đợi đủ tháng để cứu con. Có thể nói, trong giai đoạn sinh tử của ca bệnh cực kỳ hi hữu này, tập thể các y bác sĩ trong khoa hồi sức cấp cứu làm đủ mọi cách, kết hợp với kinh nghiệm để chờ đợi một cuộc sinh nở.
 
“Chúng tôi đã nuôi dưỡng mẹ và con được hơn 7 tháng. Khi đó, người mẹ đã ở trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Thậm chí, khả năng sống của người mẹ chỉ còn tính theo giờ.” - bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà, chủ nhiệm khoa Phụ sản, bệnh viện 175 nghẹn ngào nói.
 
“Chứng kiến cảnh chờ đợi đó là một áp lực vô cùng lớn đối với tất cả chúng tôi, nặng nề hơn rất nhiều so với áp lực về mặt chuyên môn.” - bác sĩ Trần Quốc Việt chia sẻ, mắt ngấn lệ.
 
Không thể chần chừ thêm được nữa, ekip mổ đặc biệt của bệnh viện quân y 175, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Giám đốc bệnh viện, đã tổ chức cuộc hội chẩn khẩn cấp trong đêm, để đưa bệnh nhân hấp hối lên bàn mổ.
 
Để mọi việc tiến hành ca mổ được tốt nhất, bệnh viện 175 đã mời các bác sĩ hàng đầu của bệnh viện Từ Dũ cùng tiến hành hội chẩn và tham gia ca phẫu thuật sinh tử này. Ngoài ra, phụ trách khoa gây mê hồi sức, trưởng khoa Sản khoa và một chuyên gia dưỡng nhi bệnh viện Từ Dũ đã có mặt trong ca mổ.

  Ảnh minh họa

Chuỗi ngày ngày hạnh phúc trong sự chờ mong một sinh linh ra đời đã bị căn bệnh nghiệt ngã dập tắt...


Trước khi vào phòng mổ, tình trạng bệnh nhân rất yếu, luôn trong tình trạng suy hô hấp sâu, phải để ngồi để thở ống. Đặc biệt, một cuộc sinh nở bình thường thì gây mê đã là một khó khăn, nhưng với việc gây mê trên một cơ thể suy hô hấp nặng, trong tư thế ngồi là một bài toán khó với tập thể các bác sĩ.
 
“Trường hợp này rất đặc biệt, làm cho chúng tôi rất căng thẳng. Có những đêm, tôi thức trắng để suy nghĩ sẽ phải làm theo phương án nào. Đây là quyết định rất khó khăn trong cuộc đời của tôi. Không ngoại trừ khả năng cả mẹ và con sẽ tử vong trong ca mổ.” - Bác sĩ Việt nhớ lại và cho biết, trong thâm tâm, ông luôn nghĩ đến việc làm thế nào để gây mê, hồi sức, đảm bảo cứu được cháu bé.
 
Cuối cùng các bác sĩ quyết định gây mê cho sản phụ trong tư thế ngồi nghiêng đến 70 độ để chị có thể chịu được cuộc phẫu thuật.
 
Ngay trong ca mổ, huyết áp của sản phụ đã rơi xuống dưới mức của sự sống. Đó là tình huống “cực kỳ căng thăng”, nhưng không thể có thời gian cho hội ý hội chẩn mà phụ thuộc hoàn toàn vào quyết đoán của người chỉ huy ca mổ. Một sự quyết đoán chỉ được phép đưa ra trong vòng vài chục giây, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.
 
Vừa chuyển tư thế bệnh nhân, vừa dùng thuốc nâng huyết áp và tăng cường truyền dịch. Ca mổ được tiến hành trong sự giành giật với tử thần, bởi tính mạng của người mẹ có thể chỉ tính được bằng phút, bằng giây. Hành trình cứu sinh linh bé nhỏ diễn ra trong căng thẳng tột cùng, với lời hứa với gia đình: Đứa bé phải sống!
 
Trước khi tiến hành lấy bé ra, các bác sĩ đã phải tiến hành tiêm thuốc kích thích phổi cho em bé để tránh tình trạng suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Vì thời gian của sản phụ không còn nhiều, việc sát trùng cũng được tiến hành trước khi gây mê, điều khác biệt so với các ca mổ thường.
 
“Ở bệnh nhân này tim cũng yếu, mình không thể truyền nhiều dịch được. Đòn cân não nhất của người quyết định là truyền như thế nào, tốc độ truyền ra sao, liều thuốc vận mạch như thế nào… rất quan trọng.
 
Chưa đầy 3 phút sau vết rạch đầu tiên, cùng với ekip mổ, bác sĩ Hà đã “bắt” được cháu bé ra ngoài. Thời gian như kéo dài hàng thế kỷ.
 
Giây phúc em bé cất tiếng khóc chào đời khiến tất cả những người có mặt như vỡ òa. “Trong quá trình mổ, điều mà chúng tôi mong đợi nhất là lúc rạch tử cung người mẹ ra thì em bé cất tiếng khóc.” - bác sĩ Hà chia sẻ.
 
“Việc hồi sức ngay sau khi đưa cháu bé ra ngoài là rất căng thẳng. Dù cháu bé đã khóc nhưng chúng tôi vẫn phải tiến hành hồi sức tích cực, cho thở ô xy và khoảng 3-4 phút sau thì cháu bé ổn định. Lúc đó, không chỉ riêng tôi mà cả phòng mổ òa lên: “sống rồi!”
 
“Lúc ấy, điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, đó là gánh nặng đang đè nặng lên trên ngực mình đã được giải thoát. Tôi thở phào nghĩ rằng mình đã được ông trời phù hộ và quyết định của mình đã đúng.”
 
Trải qua những quyết định khó khăn, sự hy sinh và chờ đợi trong đau đớn, chị đã được bế trong tay sinh linh bé bỏng, giọt máu của mình, trước khi rời xa thế giới này. “Giây phút đó, chị ấy đã mỉm cười và điều đó đã mang lại cho chúng tôi một niềm hạnh phúc rất lớn.” - bác sĩ Hà bùi ngùi kể lại.

  Ảnh minh họa

Hình ảnh người mẹ trong giây phút sinh ly tử biệt khiến ai cũng nghẹn thắt trái tim


Khoảnh khắc lay động triệu trái tim

Sau 2 tháng nhập viện, ngày 28/5/2012, sản phụ Trần Thị Nga đã sinh em bé nặng 1,7kg. Chị đã kịp nhìn thấy đứa con lần cuối trước khi về thế giới bên kia sau 7 ngày sinh con.
 
Từ vài giờ qua, những hình ảnh trong bộ phim về ca sinh nở và đặc biệt là giây phút người mẹ trẻ bế đứa con sơ sinh trong cơn hấp hối nói trên đã lay động hàng triệu trái tim người xem. Tình mẫu tử, vốn rất thiêng liêng, nhưng qua câu chuyện nói trên càng khiến cho những bà mẹ, vả cả những đứa con, dù đã lớn, cảm thấy vô cùng xúc động.
 
Chia sẻ cảm xúc khi xem bộ phim này, nhiều người cho biết họ đã khóc. Ai cũng thương cho người mẹ vắn số, thương đứa trẻ vừa ra đời đã mất mẹ. Tuy nhiên, mọi người cũng mừng cho bé đã được sinh ra trên cuộc đời này, dù không có mẹ những vẫn còn cha, nhờ sự hy sinh của người mẹ và y đức của tập thể y bác sĩ bệnh viện 175.
 
Được sinh ra, sống trên cuộc đời này, dù có khó khăn, dù có thiệt thòi… nhưng vẫn là một sự may mắn của bất cứ ai. Vì thế, bộ phim đặc biệt về tình mẫu tử này cũng làm nhiều người liên tưởng đến những trường hợp vì lý do nào đó mà người mẹ quẫn trí, đang tâm tước đoạt cuộc sống của chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Những đứa trẻ, dù còn trong bụng mẹ, dù bị khiếm khuyết, tật nguyền… hãy cho chúng cơ hội được đến với cuộc đời.
 
Có một điều khiến hầu hết người xem clip băn khoăn, đó là những hình ảnh trong clip nói trên có phải là của chính sản phụ Trần Thị Nga? Trao đổi qua điện thoại với VnMedia, bác sĩ Chu Anh Tùng, trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện quân y 175 cho biết, đây là một bộ phim được Kênh truyền hình An Viên làm lại trên câu chuyện có thật, và do vậy, những hình ảnh trong bộ phim không phải là hình ảnh thật của mẹ con sản phụ Trần Thị Nga.
 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc