Hàng loạt vi phạm trong sử dụng vốn nhà nước

12:38, 21/01/2015
|

(VnMedia) - Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng và phát hiện hàng loạt thiếu sót, vi phạm trong quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ…


>> Lập 3 đoàn kiểm tra các công trình xây dựng dịp Tết

>> Bộ Công Thương tuyển công chức: Sai phạm "toàn tập"

 

Số liệu tổng hợp của 15 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, năm 2014, đã có 740 Đoàn thanh tra được thành lập để tiến hành thanh tra gần 13.000 dự án với với tổng mức đầu tư hơn 500 nghìn tỷ đồng.

 

Kết quả cho thấy, riêng lãnh đạo các Bộ, Ngành đã chỉ đạo cơ quan thanh tra và các cục, vụ chức năng khác thành lập 96 đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra tại 444 dự án công trình, kiểm tra 194 dự án có tổng mức đầu tư là 357.330 tỷ đồng. Qua thanh tra đã kết luận những thiếu sót vi phạm từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khâu xác định nguồn vốn, phân bổ vốn đối với các công trình, dự án.

 

Theo đó, công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện dự án làm tổng mức đầu tư của dự án thay đổi.

 

Chủ đầu tư chưa xác định rõ về quy mô, công năng sử dụng và thời gian thực hiện dự án ngay từ khi lập dự án nên khi triển khai thực hiện phải phê duyệt lại quy mô dự án vì không phù hợp, phải điều chỉnh thiết kế hoặc thay đổi toàn bộ thiết kế (có dự án không sử dụng thiết kế phê duyệt lần đầu), có dự án phê duyệt chưa phù hợp phải điều chỉnh theo quy hoạch của các vùng miền, theo đề nghị của các tỉnh, thành phố. Việc lập tổng mức đầu tư của dự án không chính xác (thường là nhỏ hơn) dẫn tới thẩm quyền quyết định đầu tư không đúng.

 

Cụ thể, do còn có những tồn tại, thiếu sót ở khâu chuẩn bị đầu tư nên giá trị của dự án số tiền phải bổ sung tăng so với quyết định phê duyệt ban đầu, bổ sung giá trị các hạng mục thiếu trong thiết kế, trượt giá tăng do thời gian thực hiện dự án thay đổi, kéo dài làm tăng giá trị vật liệu… lên tới hơn 60,7 tỷ đồng.


  Ảnh minh họa
 

Thanh tra cũng cho thấy, có Bộ có tới 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư là hơn 14,5 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền là hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, có bộ còn một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được Bộ thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

 

Kết quả thanh tra cũng chi ra nhiều dự án thiết kế xong không sử dụng, có dự án do thiết kế không sử dụng được phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí 60,5 tỷ đồng; nhiều dự án do lập tổng mức đầu tư chưa chính xác nên phải thay đổi nhiều lần (có dự án thay đổi tới 4 lần), có dự án do lập dự án chưa chính xác phải loại bỏ tới gần 200 tỷ.

 

Ngoài ra, có 9 dự án xây dựng trường học ở 1 Bộ được Chủ đầu tư phê duyệt nhưng không có vốn đối ứng với tổng số tiền là 68,47 tỷ đồng dẫn tới dự án dở dang không đưa vào sử dụng được; có bộ Chủ đầu tư chưa thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoản tạm ứng trước vốn cho nhà thầu tại các dự án bị đình hoãn với tổng số tiền là hơn 500 tỷ đồng.

 

Quá trình thanh tra cũng nhận thấy, các cơ quan quản lý chuyên ngành không quản lý chặt chẽ thiết kế cơ sở, dẫn đến nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiết kế cơ sở không phù hợp, phải thay đổi tổng mức đầu tư, phát sinh tăng chi phí xây dựng gây lãng phí lớn; nhiều dự án thiết kế cơ sở thiếu chính xác, dẫn tới thiết kế thi công không thực hiện được, phải thiết kế lại làm chậm thời gian hoàn thành dự án và nhiều dự án do chậm bàn giao mặt bằng, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn bất cập cùng với sự thay đổi đơn giá tiền lương, ca máy thiết bị, vật liệu... dẫn tới tăng tổng mức đầu tư.

 

“Có Bộ do thiết bị không phù hợp 94,8 tỷ đồng; tự bổ sung các hạng mục, dự án không đúng với quyết định phê duyệt 198 tỷ đồng; cơ quan tư vấn thiết kế tính toán sai suất đầu tư 2.154 tỷ đồng; thay đổi về quy mô dự án không đúng với quyết định phê duyệt làm tăng tổng mức đầu tư 25.767 tỷ đồng… “ - thanh tra Chính phủ nêu.

 

Một tồn tại khác cũng được Thanh tra Chính phủ đưa ra, đó là việc phê duyệt dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn, cấp công trình, thời gian thực hiện dự án trong khi có nhiều dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa được quyết toán theo quy định, trong đó có Bộ còn 99 dự án đã đưa vào khai thác nhưng chưa quyết toán với tổng số tiền là hơn 102 tỷ đồng và 16 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác từ nhiều năm nhưng chưa quyết toán được do mất, không đủ hồ sơ với tổng giá trị thực hiện là 7,1 nghìn tỷ đồng.

 

Chưa hết, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, việc lựa chọn một số nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế thi công chưa tốt, nhà thầu xây lắp năng lực kém, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư. Khi triển khai thi công chậm bàn giao mặt bằng, dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí phát sinh tăng làm tăng tổng mức đầu tư, phá vỡ kế hoạch vốn ban đầu gây phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó có Bộ còn 34 dự án phải điều chỉnh thiết kế, thời gian xây dựng kéo dài, vốn đầu tư chưa được giải ngân theo đúng kế hoạch, phải thay đổi tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư, 5 dự án phải dừng thi công gây lãng phí vốn.

 

Ngoài ra, một tồn tại lớn khác cũng được đề cập, đó là thời gian thực hiện dự án còn kéo dài, trong đó có dự án nhóm C kéo dài tới 10 năm, nhóm B kéo dài tới 15 năm… trong khi theo quy định dự án nhóm C phải hoàn thành trong 3 năm, dự án nhóm B phải hoàn thành trong 5 năm. Tổng hợp cho thấy các bộ ngành có tổng số 165 dự án chậm kéo dài thời gian thực hiện.

 

Trong khi đó, còn có những dự án không được cấp và cấp không đủ theo kế hoạch vốn được phê duyệt dẫn đến dự án phải kéo dài gây lãng phí vốn đầu tư. Theo đó, có Bộ còn tới 15 dự án không được cấp hoặc không cấp đủ vốn theo kế hoạch với tổng số tiền là 165,2 tỷ đồng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc