Sông Đà ô nhiễm, trách nhiệm thuộc về ai?

13:33, 20/11/2014
|

(VnMedia) - Nhằm thay thế bãi rác tạm dốc Búng, năm 2005, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải Yên Mông thuộc có diện tích 20ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 21 tỷ đồng. Thế nhưng, gần 10 năm nay, nhà máy này bị bỏ hoang. Trong khi đó, mới đây Lãnh đạo TP.Hòa Bình vẫn xin xây thêm 1 nhà máy khác.

>> Nguy cơ ô nhiễm nặng , sông Đà kêu cứu

Bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2007 và đến năm 2009, khu xử lý rác thải này đã hoàn thành, có thể đi vào sử dụng. Thế nhưng đến nay, bãi rác được đầu tư hàng chục tỷ đồng này vẫn trong tình trạng đắp chiếu, không thể hoạt động. Nguyên nhân là do 220 hộ dân sống sát tại khu xử lý rác thải Yên Mông phản đối, không đồng ý cho vận chuyển rác về đổ ở đây.

Ông Trần Văn Ngọc - Xóm Mị, xã Yên Mông, TP Hòa Bình cho biết: "Nhà máy xử lý nước thải đặt sát trường học, sát nhà trẻ mầm non, sát cạnh nhà chúng tôi sinh sống vì vậy không thể đổ ở đây được... Muốn đổ rác thì phải di rời chúng tôi ra khu vực khác..."

Theo quy định của luật bảo vệ môi trường hiện nay, phạm vi ảnh hưởng của bãi rác là 500m, có nghĩa là khu vực xung quanh bãi rác theo bán kính 500m phải không có các hộ dân, các công trình xã hội, thế nhưng đang có 220 hộ dân nằm trong phạm vi 500m chịu ảnh hưởng từ bãi rác.

Ảnh minh họa
Nhà máy xử lý và chôn lấp rác thải Yên Mông bị bỏ hoang gần 10 năm nay

Chiều 18/11, làm việc với PV VnMedia về lý do tại sao lại xây dựng khu xử lý rác thải lại nằm sát khu dân cư, vi phạm chỉ giới ảnh hưởng theo luật bảo vệ môi trường như vậy, ông Quách Tùng Dương - chủ tịch UBND TP Hòa Bình, cho biết: thời điểm khảo sát xây dựng khu xử lý rác thải Yên Mông là làm theo quy định cũ, còn quy định phạm vi ảnh hưởng 500m là theo quy định mới.

"Khi thực hiện dự án này bán kính thi công trước đây theo văn bản cũ chỉ 300m, nhưng theo quy định mới thì bán kính đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho người dân là 500m. Khi hoàn thành, vận chuyển rác xuống thì người dân không đồng tình cho nên là không xử lý được. Thành phố cũng đã nhiều lần làm việc với dân nhưng người dân chưa đồng thuận" ông Dương cho biết.

  Ảnh minh họa
Với tổng mức đầu tư lên đến 20 tỷ đồng, bên trong nhà máy chỉ có 1 dãy nhà cấp 4, ngoài ra, không đầu tư một dây chuyền công nghệ. Một điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công. Điều đáng nói, Hòa Bình đang tiếp tục xin đầu tư 1 nhà máy khác để thay thế nhà máy Yên Mông.

 
Cũng theo ông Dương, vấn đề này vẫn chưa có cách nào xử lý triệt để. Khó khăn lớn nhất hiện nay của thành phố là thực hiện đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải di dời các hộ dân trong vòng bán kính 500 m từ bãi rác đi nơi khác. Việc xây khu tái định cư mới cho khoảng 220 hộ dân thì rất khó khăn do thành phố không đủ kinh phí. Muốn xây dựng khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đời sống của các hộ dân thì sẽ cần nguồn vốn khá lớn, nhưng ngân sách của tỉnh thì có hạn, trong khi đó, ước tính phải chi 100 tỷ đồng,...

Đến thời điểm này, tức là sau 5 năm xây dựng xong, khu xử lý rác thải Yên Mông vẫn bị bỏ hoang, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp. Và cũng chưa biết đến thời điểm nào, khu xử
lý rác thải này mới có thể hoạt động được.

Để giải quyết vấn đề trước mắt, mới đây nhất, ngày 23/6/2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Tổ hợp xử lý đốt rác thải sinh hoạt tại bãi rác dốc Búng theo công nghệ Tràng An Xanh với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Dự kiến, đến quý I năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời...

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các biện pháp của  TP.Hòa Bình vẫn chỉ dừng lại trên giấy tờ. Và trong lúc chờ những giải pháp trên giấy tờ này được triển khai thành thực tế thì người dân sống quanh bãi rác dốc Búng vẫn phải sống chung với ô nhiễm, cùng với đó là nỗi lo nhiễm độc nguồn nước sông Đà. Còn khu xử lý rác thải có quy mô lớn, được đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn phải đắp chiếu, gây lãng phí tiền ngân sách Nhà nước. Kể cả khi khu xử lý rác thải Yên Mông có đi vào hoạt động thì việc xử lý, khắc phục môi trường tại bãi rác dốc Búng, chắc chắn sẽ tốn không ít tiền ngân sách Nhà nước. Đây là hậu quả của việc thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu các định hướng vĩ mô, chỉ nhìn đến các vấn đề lợi ích trước mắt, nên các dự án thường xuyên phải điều chỉnh, chắp vá và kết quả là trở thành một mớ bòng bong, khó giải quyết.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc