"Chỉ khớp được giữa đào tạo và việc làm trong thời bao cấp"

13:49, 11/06/2014
|

(VnMedia) - "Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp khi đào tạo theo nhu cầu của nhà nước. Còn khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ của việc khớp giữa cung và cầu là thực tế khách quan", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Sáng nay, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề dư luận quan tâm đối với ngành giáo dục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm về việc vì sao chưa đổi mới chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thi cử, dạy và học có quan hệ với nhau. Khi thiết kế chương trình cần có nội dung, phương pháp, thi cử đồng bộ.

Quá trình triển khai, có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học. Hiện nay, phương pháp dạy học trong nước đang lạc hậu, cần thay đổi. Nhưng khi ra nước ngoài thi học bổng, học sinh vẫn có thể thích ứng. Vừa rồi Việt Nam tham gia đánh giá PISA, tổ chức trên cả nước gồm cả miền núi, nông thôn, do ban chấm thi nước ngoài chỉ định và kết quả được đánh giá là tốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi tốt nghiệp vừa rồi đã có những thay đổi căn bản. Trước đây là kiểm tra học thuộc, nay là kiểm tra cách vận dụng. Từ một bài học sang tổng hợp, từ kiến thức chính trị sang kiến thức công dân...

Trong từng giai đoạn, cần thiết kế nội dung trước, nhưng trong quá trình chỉ đạo có thể đổi mới thi trước. Bộ dùng thi cử làm khâu đột phá vì quá trình triển khai Nghị quyết 29 gồm hai khối công việc độc lập. Đó là xây dựng mới chương trình giáo dục phổ thông theo lối tiếp cận năng lực, trên cơ sở đó biên soạn SKG phù hợp chương trình, thiết kế cách dạy cách thi phù hợp với SGK đó. 

Khối công việc thứ hai là với các thầy cô, học sinh hiện hành thì cũng phải thay đổi. Đây cũng là thời điểm để bồi dưỡng cho giáo viên đang còn lạ lẫm với cách dạy, thi phát triển năng lực.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tiền Phong

Trước chất vấn của đại biểu về việc Bộ Giáo dục đang triển khai đề án học môn Ngoại ngữ nhưng vì sao năm nay khi thi tốt nghiệp THPT lại không bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chủ trương nhất quán là nâng cao dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học Bộ đã tổ chức khảo sát và thấy rằng cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay không giống ai trên thế giới.
 
Theo ông, chúng ta dạy chủ yếu ngữ pháp nên hết phổ thông học sinh không nói được, người ta nói cũng không hiểu. Đội ngũ dạy ngoại ngữ hiện nay cũng không đạt chuẩn, do vậy rất khoát phải chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không ứng dụng được vào trong công việc.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước đây chúng ta bắt buộc thi môn Ngoại ngữ khi thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng không phải bắt buộc hoàn toàn vì có chỗ, có nơi vẫn được điều chỉnh.

"Hiện Bộ đang đào tạo lại đội ngũ dạy ngoại ngữ và xây dựng một chương trình sách giáo khoa mới để đẩy mạnh chất lượng, sau đó mới thi bắt buộc", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy về những lo ngại trong việc bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, Bộ Giáo dục và đào tạo không bỏ mà  vẫn có điểm sàn. Điểm đổi mới năm nay là có 2 – 3 mức điểm sàn khác nhau. Có mức cao và thấp hơn nhưng mức thấp hơn không hạ thấp yêu cầu hơn so với năm trước và không tạo cơ hội cho các trường học có học sinh tuyển sinh.

Theo ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở dĩ phải có điểm sàn là nhằm tổ chức phân tầng các trường đại học. Việc có các mức điểm sàn khác nhau nhằm cân nhắc cho phụ huynh, học sinh trong việc chọn trường.
 
"Điểm sàn không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên 2 tiêu chí. Trường nào có nhiều giáo sư, tiến sỹ thì được đào tạo nhiều hơn", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
 
Đề cập đến vấn đề dư luận hết sức bức xúc hiện nay là có tình trạng học sinh THCS không đọc thông viết thạo mà vẫn lên lớp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chúng tôi có nắm được sự việc này.

Ông thừa nhận, việc này có liên quan đến bệnh thành tích, đánh giá thầy cô giáo, cơ sở đào tạo cho nên Bộ đã rà soát lại và bỏ quy định đánh giá giáo viên dựa vào thành tích của học sinh và đã có một số giải pháp chuyên môn giáo dục được triển khai. Ông cũng hứa với những gì ngành giáo dục đang triển khai chắc chắn trong thời gian tới các cháu học hết với lớp 1 có thể viết đúng chính tả.
 
Khi được hỏi đưa ra ý kiến đánh giá toàn diện về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT thường bao gồm 6 môn, trong đó có 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ là bắt buộc còn 3 môn tự chọn.
 
Quá trình đánh giá đổi mới chất lượng giáo dục chúng tôi thấy 3 môn bắt buộc các cháu thi đại học được nhà trường và các cháu dạy và học đảm bảo chất lượng. Còn các môn tự chọn không ổn, có tình trạng trò đối phó với thầy, thầy đối phó với hiệu trưởng. Hiệu trưởng đối phó với Bộ. Vì vậy, chúng tôi đưa ra phương pháp khắc phục tình trạng này bằng cách chú trọng sự phát triển của các cháu.
 
"Những thay đổi của kỳ thi năm nay chủ yếu kết hợp đánh giá quá trình học với kết quả thi. Chúng tôi đã thiết kế để đánh giá các cháu tốt nghiệp dựa vào 2 thông số để khắc phục tình trạng học và dạy đối phó. Thay vì Bộ chọn các môn thi sẽ để cho các cháu chọn để chú trọng phát triển năng lực và định hướng được nghề nghiệp của các cháu. Như vậy các cháu yêu Sử sẽ tập trung vào việc học Sử, học Văn. Cách như vậy, vừa chú trọng giáo dục toàn diện vừa phát huy được năng lực sở trường của các cháu", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
 
Trước thắc mắc của các đại biểu liệu kỳ thi tốt nghiệp này có đổi mới nữa không, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bên cạnh việc thiết kế chương trình mới theo phương án phát triển năng lực cho học sinh sẽ vẫn có điều chỉnh tiếp để nội dung đề thi kiểm tra năng lực của các cháu sẽ càng ngày càng đậm đặc hơn. Thầy sẽ thay đổi cách dạy, trò sẽ thay đổi cách học. Sẽ thay đổi phù hợp, không gây sốc và phù hợp với với năng lực của xã hội.
 
Còn việc có tiến tới một kỳ thi quốc gia hay không, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình trên và Bộ đã có báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề này.

Tại buổi trả lời chất vấn sáng nay, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, hiện nay mỗi năm có 400.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Như vậy, trong 5 năm chúng ta có 2 triệu sinh viên tốt nghiệp. Nếu thống kê số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm là đúng thì tỷ lệ là 3,6%.
 
"Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp khi đào tạo theo nhu cầu của nhà nước. Còn khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ của việc khớp giữa cung và cầu là thực tế khách quan. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh việc giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc