Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ban hành Luật Đất đai phải làm giảm tối đa khiếu kiện

17:49, 07/01/2014
|

(VnMedia) - Sáng nay (7/1), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2014. Tới dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành hơn 1 giờ đồng hồ phát biểu chỉ đạo công tác quản lý đối với những lĩnh vực quan trọng của ngành.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được một số kết quả nổi bật, trong đó đặc biệt là đã cùng các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành việc chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) song song với quá trình sửa đổi các quy định về quản lý đất đai trong Hiến pháp 1992, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
 
Cũng trong lĩnh vực đất đai, toàn Ngành cũng đã cấp được gần 41 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 23 triệu héc ta, đạt 93,8% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận. Đến nay, cả nước có 61 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản công tác cấp giáy chứng nhận, chỉ còn 2 tỉnh chưa hoàn thành là Hải Dương và Bình Phước.
 
Các lĩnh vực như địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn… cũng đều có những sự nỗ lực và đạt những chuyển biến rõ rệt.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn không ít tồn tại hạn chế. Tiến độ xây dựng một số văn bản pháp luật còn chậm, nhiều địa phương chưa chủ động trong việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để xử lý các công việc tại địa phương cho phù hợp với quy định và thực tiễn. Nguồn lực tài nguyên và môi trường chưa được phát huy đầy đủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang


Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ngành tài nguyên môi trường là một ngành có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như trong sự phát triển bền vững của đất nước. Thủ tướng biểu dương những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của ngành tài nguyên môi trường.
 
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được trong năm qua, Thủ tướng đề nghị ngành đánh giá mặt tích cực để phát huy, đồng thời thấy những mặt tồn tại để khắc phục, làm tốt hơn nữa.
 
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số điểm mà ngành Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Theo đó, năm 2014 và những năm tới, ngành Tài nguyên môi trường cần đặc biệt quan tâm đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; nâng cao năng lực xây dựng quy hoạch, kế hoạch; phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên môi trường để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng phát triển bền vững.
 
“Để quản lý nhà nước có nhiều việc, nhưng nhiệm vụ đầu tiên cần hết sức chú ý, coi là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên là xây dựng, hoàn thiện các thể chế luật pháp cơ chế chính sách. Quản lý nhà nước phải theo pháp luật, thượng tôn pháp luật. Vấn đề này chúng ta đã có bước tiến dài, nhưng vẫn còn hạn chế yếu kém. Có những văn bản còn chậm ban hành, có văn bản ban hành chưa sát với thực tế, tính khả thi không cao. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật sắp tới cũng phải làm tốt hơn.”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
 
Điều thứ 2 đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước được Thủ tướng nhấn mạnh, đó là chất lượng quy hoạch. “Ngoài thể chế, cơ chế chính sách thì quản lý nhà nước còn phải bằng quy hoạch. Vừa qua, sai phạm chủ yếu trong quản lý nhà nước của chúng ta là làm không theo quy hoạch. Có 2 nguyên nhân, một là cán bộ quyết định tùy tiện, vì động cơ gì đó hay có thể do quy hoạch “trên trời”. Cho nên, cần hết sức chú ý về chất lượng quy hoạch” – Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Trong quản lý nhà nước, Thủ tướng yêu cầu, công tác thanh tra, kiểm tra phải đi kèm với xử lý. “Thanh tra, kiểm tra phát hiện những cơ chế chính sách không còn phù hợp để sửa đổi bổ sung, phát hiện những vi phạm để xử lý chấn chỉnh” – Thủ tướng chỉ đạo.
 
Về các lĩnh vực cụ thể, yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường cần tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước. “Tài nguyên của chúng ta là nguồn lực, là nguồn vốn lớn của đất nước để phát triển. Tiềm năng lợi thế của đất nước chỉ có đất đai, khoáng sản, con người. Nhiệm vụ của chúng ta là phải quản lý tốt, sử dụng tốt và hiệu quả để phát triển đất nước, tái cơ cấu và tăng trưởng nền kinh tế, giải quyết vấn đề công ăn việc làm và các vấn đề xã hội” – Thủ tướng nói.
 
Riêng về đất đai – nguồn lực, nguồn vốn lớn của đất nước, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài nguyên và môi trường cần tuyên truyền một cách sâu rộng những điểm mới của Luật Đất đai, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong tổ chức thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý đất đai hiện nay; đưa nguồn lực đất đai phục vụ thiết thực, hiệu quả cho xây dựng và phát triển đất nước.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: “Luật Đất đai tháng 7 tới có hiệu lực, muốn thi hành phải có 5 Nghị định, mà nếu không có 5 Nghị định này và hàng chục Thông tư của Bộ, Liên bộ thì không thể thực hiện được… Đề nghị các đồng chí góp ý kiến cụ thể, với trách nhiệm cao để Bộ Tài nguyên xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Chính phủ thông qua. Chứ đừng như nhiều Nghị định chính các đồng chí góp ý nhưng chính các đồng chí lại phản đối”.
 
Cho rằng ở Việt Nam, thời gian qua nhiều “đại gia” khá lên nhờ đất là chính chứ không phải nhờ khoa học công nghệ hay công trình sáng tạo vượt trội… Thủ tướng nhấn mạnh: “Nguồn lực lớn nhất là đất đai. Đất đai là sở hữu toàn dân, là tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn lực này phải đưa vào để phát triển đất nước. Cả nhà nước, cả nhà đầu tư và người sử dụng đất đều phải có lợi. Phải làm sao để khi ban hành Luật Đất đai thì khiếu kiện phải ít đi. Đó là một mục tiêu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này”.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc