Hà Nội: Xây nhà vệ sinh tiền tỷ, sửa nhà vệ sinh trăm triệu

06:37, 07/01/2014
|

(VnMedia) - Ngoài việc dự kiến xây dựng mới 14 nhà vệ sinh bằng thép với kinh phí là 15 tỷ, Sở Xây dựng Hà Nội lại vừa đề xuất Thành phố duyệt kinh phí sửa chữa nhỏ 10 nhà vệ sinh (bằng thép) với chi phí là 1 tỷ và sửa chữa 8 nhà vậy sinh (xây) với kinh phí 500 triệu đồng.,..

>>Nhà vệ sinh tiền tỷ: Thành ủy Hà Nội yêu cầu điều chỉnh vốn
>>Nhà vệ sinh tiền tỷ: Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu minh bạch
>>Hà Nội: Chi tiền tỷ xây nhà vệ sinh công cộng

Liên quan đến câu chuyện Hà Nội xây dựng nhà vệ sinh công cộng tiền tỷ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Thành phố về việc quản lý, duy trì và xây mới nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có tổng số 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 236 nhà vệ sinh xây cố định phân bố chủ yếu tập trung ở ngõ xóm, phục vụ nhân dân trong các khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được phân bố chủ yếu tại các nơi công cộng, vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt… trên địa bàn 10 quận và thị xã Sơn Tây.
 
Nhà vệ sinh xây chủ yếu tập trung trong các quận nội thành do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội quản lý và duy trì vệ sinh theo cơ chế đặt hàng, công tác quản lý duy trì nhà vệ sinh công cộng theo định mức đơn giá được UBND Thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Dục, các nhà vệ sinh xây gạch bố trí chưa đồng đều, còn thiếu, chủ yếu phục vụ nhân dân trong khu vực dân cư và một số lượng nhỏ ở Vườn hoa, Công viên và số lượng nhà vệ sinh xây trên chưa đáp ứng được việc phục vụ khách vãng lai và khách du lịch.
 
Chính vì vậy, nhà vệ sinh bằng thép được phân bố đồng đều, thêm vào những địa bàn còn thiếu, chủ yếu là lắp đặt thêm ở các nơi công cộng, vườn hoa, công viên, các điểm chờ xe buýt, có ưu điểm nhỏ gọn, có thể di chuyển dời khi cần thiết. Công tác duy trì các nhà vệ sinh bằng thép thực hiện cơ chế lấy thu bù chi (thu phí vệ sinh để chi trả lương cho công nhân duy trì).
 
Theo đó, UBND thành phố có quyết định về mức thu tiền dịch vụ vệ sinh là 2000đ/người/lượt và cơ chế hỗ trợ quản lý duy trì nhà vệ sinh văn minh đô thị trên địa bàn thành phố với kinh phí hỗ trợ là 178.500 đồng/ngày. Ngoài kinh phí hỗ trợ trên, các đơn vị được UBND Thành phố thanh toán các phần sử dụng điện, nước, hút phân xí máy và sửa chữa nhỏ, được tính cho các đơn vị vào nguồn kinh phí đặt hàng năm.

Ảnh minh họa

Một nhà vệ sinh công cộng bằng thép ở Hà Nội

Sửa chữa “nhỏ” mỗi nhà vệ sinh 100 triệu

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, đối vói các nhà vệ sinh công cộng xây, hàng năm, Sở Xây dựng giao các đơn vị quản lý duy trì khảo sát lập kế hoạch sửa chữa, kinh phí sửa chữa được tính đặt hàng của các đơn vị vệ sinh môi trường. Năm 2014 này, dự kiến sẽ sử dụng kinh phí 500 triệu đồng để sửa chữa 8 nhà vệ sinh xây xuống cấp đã đưa vào nguồn kinh phí đặt hàng của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị. Các nhà vệ sinh được sửa chữa bằng nguồn này bao gồm: nhà vệ sinh công cộng số 173 Hoàng Hoa Thám, nhà số 15 Nghĩa Dũng (quận Ba Đình); nhà vệ sinh công cộng tập thể Bộ Giao thông vận tải và nhà vệ sinh công cộng tập thể Bộ Xây dựng (Quận Hoàn Kiếm); nhà vệ sinh công cộng ngõ Đồng Nhân, nhà số 307 Bạch Mai (Quận Hai Bà Trưng); nhà vệ sinh Ngô Tất Tố và nhà vệ sinh Văn Chương (quận Đống Đa).
 
Ngoài ra, với một số nhà vệ sinh công cộng trong khu dân cư, ngõ xóm do nhu cầu phục vụ chủ yếu là khách vãng lai và một vài hộ dân (nhu cầu không lớn), UBND các quận đề nghị được cải tạo bằng nguồn vốn của Quận nhưng có chyển đổi mục đích sử dụng nhà vệ sinh công cộng theo tiêu chí nhà vệ sinh công cộng kết hợp nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng hoặc làm nơi để dụng cụ xe gom, các phương tiện dụng cụ lao động của xí nghiệp môi trường…
 
Còn với nhà vệ sinh công cộng bằng thép, ông Dục cho biết, dự kiến kinh phí sửa chữa năm 2014 là khoảng 1 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ 10 nhà vệ sinh công cộng bằng thép. Nguồn kinh phí sửa chữa nhỏ được đưa vào kinh phí đặt  hàng của Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long.
 
Cũng theo ông Dục, năm 2013, UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng lập dự án cải tạo nâng cấp 7 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phục vụ khách du lịch. Hiện, Sở Xây dựng đã trình UBND Thành phố phê duyệt công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí khái toán là 3,2 tỷ đồng.
 
Trước thực tế nhà vệ sinh như trên, Sở Xây Dựng vừa kiến nghị, đề xuất Thành phố giao Sở Tài chính và Kế hoạch bố trí kinh phí cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh công cộng xây và nhà vệ sinh công cộng bằng thép (khoảng 1,5 tỷ đồng) trong nguồn kinh phí đặt hàng năm 2014 của công ty môi trường đô thị Hà Nội và Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long.
 
Giao Sở Kế hoạch và đầu tư bố trí bổ sung kinh phí chuẩn bị đầu tư và kinh pihs thực hiện công trình nâng cấp cải tạo 7  nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trong kinh phí kế hoạch năm 2014 để kịp triển khai thi công đảm bảo yêu cầu.
 
Liên quan đến kế hoạch đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh, như VnMedia đã đưa tin, UBND Thành phố trước đó đã có quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây 14 nhà tại 14 địa điểm đã được UBND các quận, huyện thống nhất, với kinh phí đầu tư xây dựng là 15 tỷ đồng trong năm 2013 và 2014. Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất; đồng thời lập kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố, nhất là tại địa bàn các quận nội đô, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt trong năm 2013. “Việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí”.

Tiếp sau đó, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá lại quy trình lập dự trù kinh phí; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; điều chỉnh quy mô vốn theo hướng tiết kiệm; cắt giảm những chi phí không hợp lý; tăng cường sử dụng các vật liệu phổ thông, không đắt tiền; những nơi không cần thiết làm nhà vệ sinh kiên cố thì lắp đặt các nhà vệ sinh di động…


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc