Sau bão số 8: Nhà nước và người dân đều phải rút kinh nghiệm

06:32, 12/11/2012
|

(VnMedia) - Cơn bão số 8 được cho là mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây và đặc biệt là diễn biến phức tạp, thay đổi hướng liên tục. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cả Nhà nước và người dân đều cần phải rút kinh nghiệm...


 Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát

 

Cơn bão số 8 là cơn bão được cho là mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây với tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi khó lường và phạm vi ảnh hưởng rộng. Tuy chưa gây thiệt hại nhiều về người như một số cơn bão khác, nhưng bão số 8 đã gây thiệt hại rất lớn về vật chất. Ngay sau cơn bão, dư luận người dân một số địa phương cho rằng, họ không nhận được thông tin đầy đủ, kịp thời về hướng đi cũng như cường độ của bão nên đã bất ngờ, không ứng phó kịp thời. Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối qua (11/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, ông Cao Đức Phát đã trao đổi với người dân về vấn đề này.

 

- Thưa Bộ trưởng, với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, Bộ trưởng có thể tóm tắt công tác phòng chống lụt bão trong cơn bão số 8 như thế nào?

 

Ngay từ khi cơn bão bắt đầu hình thành, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cùng với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã theo dõi sát sao diễn biến và hướng dẫn các địa phương tổ chức biện pháp phòng chống kịp thời, trong đó đặc biệt chú trọng kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú ẩn. Đã có tới 57.000 tàu thuyền với hơn 260.000 dân được kêu gọi về bờ an toàn. Đồng thời, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các biện pháp đối phó trên bờ, đảm bảo cho người, đê điều và nhà cửa cũng như tài sản khác. Chúng tôi cũng lưu ý các địa phương về việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với ảnh hưởng của cơn bão đến hoa màu trên đồng ruộng vì biết nhiều địa phương vẫn còn lúa mùa chưa thu hoạch, đồng thời còn có một diện tích lớn cây vụ đông đã gieo trồng, nếu không tháo nước trước thì có thể hư hại.

 

- Một số người dân ở Đồ Sơn, Hải Phòng chia sẻ là trong bão, họ không được cập nhật đầy đủ các thông tin về đường đi và cường độ của cơn bão nên đã bị thiệt hại nhiều. Thưa Bộ trưởng, tại sao Ban chỉ đạo đã quyết liệt như vậy mà ở một số địa phương, người dân vẫn không tiếp cận được với thông tin đầy đủ về bão?

 

Ở đây có tình huống là cơn bão diễn biến phức tạp, thay đổi hàng giờ, nếu bà con không theo dõi liên tục thì sẽ bị lạc hậu về thông tin. Việc này là một việc mà cả nhà nước và bà con nên có rút kinh nghiệm, trong đó phía nhà nước cần tổ chức hệ thống thông tin sâu rộng hơn, đặc biệt là ở địa phương cần phải sát thực hơn. Diễn biến bão tố giờ đây có nhiều bất thường nên bà con cần theo dõi liên tục để thấy được sự thay đổi và đặc biệt là rút ra những ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương và gia đình mình để có biện pháp ứng phó phù hợp.


 Ảnh minh họa

 Bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản - ảnh VNN

 

- Thưa Bộ trưởng, bên cạnh kinh nghiệm mà ông vừa chia sẻ với người dân thì Ban chỉ đạo Trung ương có kinh nghiệm gì có thể rút ra trong việc hỗ trợ phòng và ứng phó với bão.

 

Theo tôi, một mặt chính quyền cần phải kiên quyết hơn trong việc phổ biến thông tin và thông báo tổ chức thực hiện, hướng dẫn và hỗ trợ người dân ứng phó với bão tố, trong đó có việc sơ tán dân ở những lồng bè, nhà chòi và tàu thuyền trên biển để tránh tình trạng bà con đánh giá không đúng mức sự gây hại của bão để áp dụng biện pháp cần thiết. Tôi thiết tha đề nghị bà con thực hiện nghiêm túc và hợp tác với chính quyền để thực hiện biện pháp ứng phó với cơn bão nhằm giảm thiểu thiệt hại.

 

- Thưa Bộ trưởng, vụ Đông là vụ tạo thu nhập chính cho bà con nông dân và cơn bão số 8 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề, ước tính tổng thiệt hại về vật chất lên tới 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng chục nghìn ha lúa, hoa mầu và bè nuôi trồng thủy sản của bà con đã bị mất trắng. Vậy, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch gì để hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại và chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới.

 

Bà con nông dân đã cùng với chính quyền các cấp tổ chức bơm rút nước ra khỏi khu vực úng trũng để tạo điều kiện thu hoạch lúa đã chín và bảo vệ diện tích lúa chưa chín bị đổ gãy, mặt khác là để bảo vệ chăm sóc cây vụ đông đã gieo trồng và bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã bàn với các địa phương, tiếp tục gieo trồng diện tích còn lại, dự kiến khoảng 120.000 ha nữa, chủ yếu là cây ưa lạnh. Thời vụ rất khẩn trương, ví dụ như khoai tây chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là tốt nhất, vì thế chúng tôi đề nghị các địa phương chủ động ứng kinh phí và nguồn có được ở địa phương để hỗ trợ cho nông dân kịp thời theo chính sách hiện hành. Mặt khác chúng tôi đã tập hợp và có kiến nghị lên Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương khoản kinh phí khoảng 210 tỷ đồng và 2.500 tấn gạo để các địa phương có thể hỗ trợ nhân dân kịp thời.

 

- Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc