“Chùa nghìn tuổi bị phá là việc tất yếu!”

08:20, 01/09/2012
|

(VnMedia) - “Nghe tin phá chùa Trăm Gian thì có bất bình nhưng không bất ngờ... vì đây là việc tất yếu sẽ đến với cái cách quản lý di sản hiện nay và vài chục năm trở lại đây” – KTS Trần Huy Ánh chia sẻ với VnMedia…


>> Phá tan chùa Trăm Gian vì 5 tỷ đến chậm


Liên quan đến vụ việc chùa Trăm Gian bị phá dỡ và xây mới một cách tùy tiện trong thời gian gầ đây, VnMedia đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh, một người lúc nào cũng đau đáu với những mất mát của Hà Nội.

 

- Thưa KTS, những ngày gần đây, sự kiện chùa Trăm Gian bị phá đi xây mới đã khiến dư luận đi từ bất ngờ đến bất bình. Cảm nghĩ của ông về vụ việc này như thế nào?

 

Tôi đến ngôi chùa này cách đây gần nửa thế kỷ, chúng tôi là đội viên đội vẽ - CLB Thiếu nhi Hà Nội được thầy Thẩm Đức Tụ đưa đi bằng ô tô Hải Âu đến đây ngồi vẽ... Tôi vẫn nhớ cái gốc cây to tôi ngồi vẽ gác chuông trên sườn đồi thoai thoải, ngôi chùa thì uy nghi, to lớn lắm.


Nhưng sau đó, ngay từ hồi tháng 6/2009, khi chúng tôi đến, cổng chùa mới toanh đã hoàn thành ...Việc này chẳng lẽ các vị quản lý xây dựng và văn hóa Hà Nội mở rộng không biết?
Vì thế, nghe tin phá chùa Trăm Gian thì có bất bình nhưng không bất ngờ, vì đây là việc tất yếu sẽ đến với cái cách quản lý di sản hiện nay và vài chục năm trở lại đây.


 Ảnh minh họa

Ngay từ hồi tháng 6/2009, cổng chùa mới toanh đã hoàn thành

 

Phân tích cái hay cái đẹp của ngôi chùa thì nhiều người làm, tài liệu bảo tồn Bộ Văn hóa rất sẵn... vì nếu họ không nói hay thì làm sao có kinh phí nghiên cứu? Tôi thì thấy hay theo cách cảm nhận của riêng mình thôi. Đấy là sự trân trọng quá khứ của các cụ nhà mình xưa, cái văn hóa chắt chiu cần kiệm mà có được ngôi chùa lớn, tồn giữ cả một thang bậc thời gian trải hàng trăm năm.

 

- Được biết, ông chính là người đã từng tổ chức cho một đoàn đến 300 KTS và chuyên gia nước ngoài đi khảo sát những di tích ở vùng Ba Vì ngay sau khi Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội. Vậy, thực trạng các di sản lúc đó như thế nào, đặc biệt là đối với chùa Trăm Gian?

 

Đấy là ý tưởng của KTS Lê Văn Lân, phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội. Ông là tác giả nhiều công trình công cộng đẹp cho Hà Nội... Tôi biết, lúc trẻ ông định không học kiến trúc, nhưng sau khi được một KTS tốt nghiệp Cao đẳng Đông Dương dẫn đi chơi xứ Đoài, ông mới quyết định theo nghề này. Khoảng năm 2007, khi Hà Tây rộn ràng mấy trăm dự án BĐS, ông nói: “đi về xứ Đoài nhanh lên, đến chậm không còn gì xem đâu”. Thế là tôi và các KTS Nguyễn Địch Long, Nguyễn Minh Dục, Lê Văn Lân cùng các đồng nghiệp hai hội KTS Hà Nội và Hà Tây cũ vội vã lên kế hoạch đi khảo sát.


 Ảnh minh họa

 KTS  Jorn Naud, KTS Mai Thế Nguyên và Trần Huy Ánh đứng trước dãy nhà tổ
mới cóng

 

Chùa Trăm Gian kết cấu gạch, gỗ, đá... to thế, nặng thế, mưa nắng dãi dầu nên phải tu sửa thường xuyên, sửa vặt hàng năm, sửa lớn vài chục năm/lần, cái nào mục hỏng thì thay, cái dài thì tận dụng đoạn ngắn, chạm khắc thì phục chế trung thành với cái cũ, có chi tiết nào thật đặc sắc mới thay thế cái cũ... cứ mở mãi rộng ra mà thành trăm gian chăng?

 

Xứ Đoài xưa vắng vẻ, loạn lạc liên miên, đến thời Quang Trung mới yên ổn, khi ấy đình chùa được dựng lại nhiều. Ngày xưa người thưa, của hiếm, làm nên ngôi chùa lớn phải huy động tài lực nhiều, vùng này lại sẵn những nghệ nhân người Chăm nên cách chạm khắc rất đặc sắc trên gỗ/đá hay gạch nung với hình tượng chim thú, hoa lá cách điệu, người mình chim... tạo thành phong cách đặc trưng của cả miền văn hóa xứ Đoài.

 

- Có phải khi tổ chức đoàn khảo sát, ông đã dự cảm những gì sẽ xảy ra vài năm sau?

 

Bây giờ mà đoán là di sản sẽ bị làm mới hoàn toàn thì chắc đúng, như kiểu rừng nguyên sinh sớm muộn sẽ biến mất, voi, tê giác chắc chắn tuyệt chủng chỉ còn là thời gian... nên dự cảm là nói văn hoa, chứ cái cách quản lý di sản như thế này thì chả phải dự cảm đâu, mà kết quả đó là chắc chắn.

 

- Nếu vậy, tại sao ông và các KTS không kiến nghị lên Thành phố hay Sở, Bộ Văn hoá? Hay có kiến nghị nhưng… chẳng ai làm gì?

 

Chùa Trăm Gian là cứ tính 4 cột tạo thành một gian, tả vu hữu vu, Tam bảo, hậu cung, lầu chuông, gác khánh, nhà tổ, nhà trai... ngôi chùa nhỏ xây trước chùa lớn xây sau, mỗi lần sửa lớn, các kèo cột tận dụng làm các hạng mục nhỏ hơn... cứ tiếp biến chồng chất để lại cả dấu tích mấy trăm năm tiếp nối, giữ lại vốn xưa nhưng dạy cho mai sau cái lối làm việc cẩn trọng, cần kiệm. Lần sửa gần nhất cũng chỉ khoảng những năm 1930-1950 thôi.... Thế mà chỉ một vài năm vô tâm người ta nỡ làm thế, nói mãi cũng chỉ nhận được cãi cùn, âu cũng là phản ánh thực chất cái thời điểm, duyên cớ sinh thành.


 Ảnh minh họa

 KTS  Jorn Naud ái ngại trước những kết cấu của dãy hiên mới được làm  mới hoàn toàn

 

Chùa trong phố Hà Nội đẹp như Trấn Quốc... họ sửa thành cái gì? Chúng tôi nói gần nói xa... có ích gì đâu. Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nói ý là ngày trước ông đi bộ vào vãn cảnh, nay trông xấu quá ông chả buồn vào, còn tôi thì khi đi đâu, tôi tránh đi lối ấy. Có thể hôm nay họ làm lấy được nhưng cái chùa mới đứng lù lù ở đấy như biểu tượng của sự “không thèm nghe” /nó đối nghịch với triết lý “biết lắng nghe” của nhà chùa. Cũng có thể tôi không đúng nên tự vấn và nhịn sự không vừa lòng vào trong mà tránh đi lối khác.

 

Có ngôi chùa nhỏ bé xinh trên phố Hai Bà Trưng, họ sửa lại thành cái cổng to đoành, ga ra ô tô, tháp xây trên nóc cổng... họ cũng tự tung tự tác như vậy đấy. Tôi đã từng nổi gai ốc khi nghe gợi ý công quả quạt máy, điều hòa.... để lắp vào chùa.

 

Tôi cũng biết có ngôi chùa sửa sang lại rất tốt, nhiều người qua đó cứ ngỡ là có từ mấy trăm năm... tôi cũng âm thầm ủng hộ ngôi chùa đó.

 

- Ông đánh giá như thế nào về cách “người ta” đang đối xử với những di tích? Theo ông, điều gì khiến họ làm như vậy?

 

Ngày xưa chùa đẹp là các vị trụ trì uyên bác, các vị tham gia tôn tạo xây chùa đều có tâm có tài nên mới để lại những di sản kiến trúc đẹp. Còn để lại những rác kiến trúc thì hẳn là điều ngược lại... tốn kém tiền bạc vậy mà công quả có đáng không?

 

Các cơ quan thiết kế bảo tồn bây giờ vẽ máy, các KTS chỉ cần copy là cả trăm ngôi chùa có cùng mẫu hổ phù, đầu cột, chạm khắc kèo bẩy, diềm mái... Các vị để ý đi các ngôi chùa, ngôi đình đang được nhân bản vô tính tràn lan.

 

Mọi người hối hả kiếm tiền, làm giàu, làm từ thiện hay đến chốn hành hương cũng vội vàng hấp tấp. Cái đẹp cần lắng đọng, chiêm nghiệm với tâm hồn trong sáng an nhiên, không có cái đẹp “mỳ ăn liền” là điều tất yếu.

- Xin cảm ơn KTS về cuộc trao đổi.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc