Sửa Luật Hình sự để phòng, chống tội phạm

13:57, 23/03/2015
|

(VnMedia)- Mặc dù sửa đổi, bổ sung 6 lần nhưng Bộ Luật Hình sự hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn nhất là trong những lĩnh vực lại có tính biến động cao như lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ...

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ.



Tội phạm gia tăng

Trong Tờ trình về sự án Luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho rằng, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp và những bất cập của BLHS hiện hành là cơ sở thực tiễn quan trọng của việc sửa đổi toàn diện của BLHS.

Theo báo cáo của Bộ Công an  thì tình hình tội phạm hiện nay nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt, trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm.

Trước hết, tình hình tội xâm phạm an ninh quốc gia ngày càng phức tạp với những phương thức và thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, xảo quyệt; các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, người phạm tội sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí, hung khí nguy hiểm bao gồm cả việc sử dụng vũ khí quân dụng và các loại vũ khí tự chế như: súng bắn đạn hoa cải, súng dạng bút và các loại vật liệu nổ, axit, bom xăng để thực hiện hành vi phạm tội.

Hai là, các loại tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ ngày càng gia tăng.

Ba là, tội phạm tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản có những diễn biến hết sức phức tạp gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội hàng ngàn tỷ đồng.

Bốn là, do có sự giúp sức, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biến chất nên tình hình tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn thuế diễn biến hết sức nghiêm trọng. Các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ, thông tin, viễn thông tiếp tục tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia. Tình hình tội phạm về ma túy diễn ra với số lượng đặc biệt lớn trên phạm vi địa bàn rộng, có tổ chức chặt chẽ, có trang bị vũ khí gây khó khăn rất lớn cho công tác đấu tranh, triệt phá loại tội phạm này.

Luật chưa đồng bộ?

Bên cạnh đó, theo báo cáo tổng kết thi hành BLHS của các Bộ, ngành, địa phương thì một trong những bất cập nổi lên đáng lưu ý là BLHS hiện hành mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong khi đó thực tiễn cho thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như: hành vi hủy hoại môi trường, hành vi đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động. Chủ thể này cần bị xử lý hình sự để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Ngoài ra, việc BLHS hiện hành quy định tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong BLHS cũng đã tạo ra những bất cập trong thực tiễn. Trong một khoảng thời gian 28 năm kể từ khi BLHS 1985 ra đời, Quốc hội đã 06 lần sửa đổi, bổ sung BLHS, trong đó có một lần sửa đổi cơ bản, toàn diện vào năm 1999. Mặc dù sửa đổi, bổ sung nhiều lần như vậy nhưng nhìn chung BLHS hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn mà một trong những nguyên nhân là do BLHS điều chỉnh tất cả các tội phạm thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có lĩnh vực tương đối ổn định nhưng có lĩnh vực lại có tính biến động cao như lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ. Khi một lĩnh vực nào đó có sự thay đổi thì đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLHS, nếu không sẽ nảy sinh bất cập, còn nếu sửa đổi, bổ sung liên tục thì không bảo đảm được tính ổn định của BLHS với tích chất là một văn bản pháp luật mang tính pháp điển hóa cao.

Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi BLHS hiện hành phải được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Những điểm mới khi xây dựng dự án Luật

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, căn cứ vào thực trạng quy định của BLHS hiện hành, mục tiêu và quan điểm xây dựng dự án Bộ luật như đã báo cáo ở trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là cơ bản và toàn diện.

Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, dự thảo Bộ luật có tổng số 427 điều (tăng 74 điều so với BLHS hiện hành), giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 48 điều, sửa đổi 361 điều (trong đó có 62 điều được tách ra từ các điều khoản của BLHS hiện hành, 68 điều sửa về kỹ thuật) và bãi bỏ 07 điều của BLHS hiện hành. Cụ thể như sau:

Phần thứ nhất. Những quy định chung: Giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 26 điều, sửa đổi 61 điều (trong đó có 06 điều được tách ra từ các điều khoản của BLHS hiện hành, 20 điều sửa về kỹ thuật) và bãi bỏ 01 điều của BLHS hiện hành (Điều 65).

Phần thứ hai. Các tội phạm: Bổ sung mới 20 điều, sửa đổi 300 điều (trong đó có 56 điều được tách ra từ các điều khoản của BLHS hiện hành, 48 điều sửa về kỹ thuật) và bãi bỏ 06 điều của BLHS hiện hành (các Điều 145, 165, 167, 168, 170 và 178).  

Phần thứ ba. Điều khoản thi hành: Bổ sung 2 điều.

Dự thảo Bộ luật gồm có 26 chương (tăng 02 chương so với BLHS hiện hành) và được thiết kế thành 03 Phần trên cơ sở kế thừa hai phần của BLHS hiện hành và bổ sung thêm phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. Cụ thể:

Phần thứ nhất. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 104): Phần này gồm 12 chương, 104 điều, quy định về: 1) điều khoản cơ bản (từ Điều 1 đến Điều 4); 2) áp dụng BLHS (từ Điều 5 đến Điều 7); 3) tội phạm (từ Điều 8 đến Điều 19); 4) những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (từ Điều 20 đến Điều 26); 5) thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự (từ Điều 27 đến Điều 29); 6) hình phạt (từ Điều 30 đến Điều 44); 7) các biện pháp tư pháp (từ Điều 45 đến Điều 48); 8) quyết định hình phạt (từ Điều 49 đến Điều 58); 9) thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (từ Điều 59 đến Điều 67); 10) xóa án tích (từ Điều 68 đến Điều 70); 11) quy định đối với pháp nhân phạm tội (từ Điều 71 đến Điều 84); 12) quy định đối với người chưa thành niên phạm tội (từ Điều 85 đến Điều 104).

Phần thứ hai. Các tội phạm (từ Điều 105 đến Điều 420): Phần này gồm 14 chương, 316 điều, quy định về 14 nhóm tội phạm cụ thể. Đó là: 1) các tội xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 105 đến Điều 120); 2) các tội xâm phạm tính mang, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (từ Điều 121 đến Điều 151); 3) các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân (từ Điều 152 đến Điều 162); 4) các tội xâm phạm sở hữu (từ Điều 163 đến Điều 175); 5) các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (từ Điều 176 đến Điều 184); 6) các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (từ Điều 185 đến Điều 226); 7) các tội phạm về môi trường (từ Điều 227 đến Điều 237); 8) các tội phạm về ma túy (từ  Điều 238 đến Điều 260); 9) các tội xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng (từ Điều 261 đến Điều 328); 10) các tội xâm phạm quản lý hành chính (từ Điều 329 đến Điều 351); 11) các tội phạm về chức vụ (từ Điều 352 đến Điều 366); 12) các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (từ Điều 367 đến Điều 389); 13) các tội xâm phạm hoạt động quân sự (từ Điều 390 đến Điều 420); 14) các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (từ Điều 421 đến Điều 425).

Phần thứ ba. Điều khoản thi hành (từ Điều 426 đến Điều 427): Phần này gồm 2 điều quy định về hiệu lực thi hành của BLHS và điều khoản chuyển tiếp.

So với BLHS hiện hành, dự thảo Bộ luật có bổ sung thêm 02 chương mới ở Phần những quy định chung (chương IV. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và chương XI. Quy định đối với pháp nhân phạm tội). Có 05 chương của dự thảo Bộ luật (các chương 8, 12, 18, 21 và 23) được thiết kế gồm có các mục, trong mỗi mục là nhóm các quy định có tính chất gần nhau.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc