Hậu quyết định cắt ngọn tòa nhà 30 tầng: Sơ tán dân đi đâu?

11:21, 21/04/2015
|

(VnMedia) - Theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư tòa nhà 93 Lò Đúc phải tiến hành tháo dỡ tầng 30, trả lại nguyên trạng trước ngày 30/4/2015. Nhưng để thực hiện được việc này, hàng ngàn dân đang sinh sống trong tòa nhà phải sơ tán đi đâu?

Cắt ngọn tầng 30, sơ tán dân thế nào?

Ngày 7/4/2015, tại buổi tiếp 5 công dân ở chung cư 93 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng đã tố cáo Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô về những sai phạm trong trật tự xây dựng và quản lý sử dụng, vận hành tòa nhà.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã có kết luận: Chủ đầu tư phải tiến hành tháo dỡ tầng 30 (còn gọi là tầng áp mái hoặc theo hệ thống thang máy là tầng 27) của tòa nhà, trả lại nguyên trạng trước ngày 30/4/2015.

Ảnh minh họa

Chung cư 93 Lò Đúc.

Sau khi có kết luận này, các chủ sở hữu căn hộ tại tầng 29 (theo hệ thống thang máy là tầng 26) chung cư 93 Lò Đúc đã gửi “Đơn khiếu nại khẩn cấp” gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bày tỏ lo lắng vì nếu phải tháo dỡ tầng 30 (theo hệ thống thang máy là tầng 27) thì hàng trăm hộ dân sẽ là những người phải hứng chịu nỗi khổ về môi trường bụi bặm, tiếng ồn lớn do khoan cắt bê tông và đảo lộn cuộc sống; nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các cư dân tại các khu nhà liền kề tòa nhà 93 Lò Đúc.

Các công dân tại khu nhà này cho thấy việc phá dỡ tầng 30 là không khả thi và không phải biện pháp giải quyết phù hợp; mà nguyên nhân chính chỉ vì việc giải quyết đơn khiếu kiện của một số hộ dân ở mấy tầng phía dưới có mâu thuẫn với chủ đầu tư.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô cho biết, chung cư 93 Lò Đúc được đưa vào sử dụng từ năm 2006. Hiện nay, cư dân đang sinh sống ổn định, việc dỡ bỏ tầng 30 sẽ gây thiệt hại rất lớn cho xã hội vì toàn bộ tòa nhà phải ngừng mọi hoạt động, sơ tán hàng nghìn hộ sinh hoạt trong tòa nhà.

Phá dỡ tầng 30 có nghĩa toàn bộ tòa nhà sẽ tê liệt vì phía trên nóc, ngoài bể nước sạch 500m3 tại đây còn đặt toàn bộ các thiệt bị kỹ thuật phục vụ vận hành tòa nhà gồm: mô tơ điện của 5 tháng máy, hệ thống thông gió, điều hòa trung tâm, viễn thông, Internet, truyền hình cáp.

Ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm đến tính mạng người dân do phải khoan cắt bê tông, khó tránh được vật tư vật liệu rơi vãi từ độ cao 110m. Đặc biệt, thiệt hại của người dân sẽ rất lớn khi việc phá dỡ chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của tòa nhà, Nguy cơ bị nứt, thấm dột với các căn hộ tầng 29 là khó tránh khỏi.

Ảnh minh họa

Tầng áp mái của tòa nhà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chung cư 93 Lò Đúc là công trình hỗn hợp Trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ cao cấp được khởi công xây dựng từ năm 2004. Công trình được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng với quy mô: 2 tầng hầm + 25 tầng + 2 tầng kỹ thuật + Tầng mái và tum thang. Tổng cộng gồm 2 tầng hầm + 28 sàn tầng + tum thang.

Việc xây dựng sai với Giấy phép được cấp diễn ra từ năm 2006, cụ thể:

Tầng 29 (căn hộ): Các hộ dân đã nhận nhà vào ở từ năm 2007 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật.

Xây dựng mái che tầng 30 diện tích 1.800m2 (bao gồm cả diện tích phần tum thang, hệ thống kỹ thuật, bể nước khoảng 500m2) có tường bao lan can chắn mái cao khoảng 1,5m. Công ty Kinh Đô dự kiến làm văn phòng của công ty vừa để chống nóng, chống dột cho các căn hộ tầng 29. Tầng 30 cũng đã xây dựng xong phần thô, chưa hoàn thiện nội thất từ năm 2006.

Đại diện Công ty Kinh Đô cho biết, vào thời điểm đó, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với Chủ đầu tư theo quy đinh tại Điều 7 Nghị định 126/2004/NĐ-CP nhưng không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bởi tại Điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD của Bộ Xây Dựng cho phép Chủ đầu tư được giữ nguyên hiện trạng công trình xây dựng.

Ảnh minh họa

Hệ thống thiết bị kỹ thuật vận hành thang máy, điện, nước đặt trên mái tầng 30.

Năm 2008, Công ty Kinh Đô đã thực hiện thủ tục xin cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất và đã bàn giao cho các chủ căn hộ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc công trình có đảm bảo an toàn hay không, ông Hùng cho biết, năm 2013, thực hiện theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và UBND Thành phố, Viện khoa học công nghệ xây dựng – Bộ xây dựng đã khảo sát, kiểm tra đánh giá khả năng an toàn chịu lực của công trình 93 Lò Đúc và kết luận với quy mô 2 tầng hầm, 30 tầng nổi và hệ thống tum thang bể nước, công trình đảm bảo an toàn khả năng chịu lực.

Có thể xử lý hành chính?

Ngày 12/2/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2014/TT-BXD “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở”.

Trong đó có một vấn đề được hướng dẫn Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121 quy định: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Đặc biệt, Thông tư nhấn mạnh, sau khi Chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.

Quay trở lại với sự việc tại chung cư 93 Lò Đúc, được biết, việc tranh chấp, kiện tụng giữa một số hộ dân với Chủ đầu tư chung cư 93 Lò Đúc đã diễn ra từ 4 năm qua, tháng 10/2012 đã từng xảy việc một số người dân đập phá hủy hoại tài sản của chủ đầu tư.

Liên quan tới vụ việc này, ngày 24/12/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố bị can đối với bà Phan Minh Thúy, ở phòng 601 chung cư 93 Lò Đúc và 4 người khác về tội “Hủy hoại tài sản”. Ngày 17/07/2014, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã có cáo trạng truy tố 5 bị can ra trước Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng về tội “Hủy hoại tài sản” tại 93 phố Lò Đúc.

Tháng 9/2013, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Phạm Đình Hổ cùng với Chủ đầu tư và một số hộ dân đã tổ chức cuộc họp. Công ty Kinh Đô đã báo cáo và cam kết sử dụng đúng mục đích tầng 30 làm văn phòng làm việc của công ty và dành hơn 200m2 làm phòng sinh hoạt cộng đồng cho các hộ dân.

Vì vậy, tháng 11/2013, Sở Xây Dựng Hà Nội có văn bản báo cáo UBND Thành phố đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo việc xử lý xây dựng sai phép tầng 30 tại chung cư 93 Lò Đúc.

Đề cập tới việc bàn giao công tác quản lý tòa nhà theo hiện trạng cho Ban quản trị chung cư theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, ông Lê Văn Hùng cho biết, sau khi thành lập Ban quản trị chung cư 93 Lò Đúc, tháng 5/2013, công ty đã bàn giao hồ sơ hoàn công cho Ban quản trị. Tuy nhiên đến nay, việc bàn giao quyền quản lý, bàn giao hồ sơ giấy tờ liên quan đến quản lý tòa nhà chưa hoàn thành do Ban quản trị chung cư không hợp tác, đưa ra các lý do không chính đáng như bản vẽ hoàn công phải có Công chứng chứng thực (không chấp nhận bản vẽ Công ty Kinh Đô sao, theo quy định công chứng không chứng thực tài liệu là bản vẽ) để không nhận bàn giao.

Theo ông Lê Văn Hùng, công ty không muốn “ôm” việc quản lý tòa nhà bởi “hiện nay, mỗi tháng Công ty Kinh Đô phải bù lỗ vài trăm triệu đồng cho việc duy trì hoạt động của tòa nhà. Hiện một số hộ dân đang nợ tổng số tiền sử dụng điện là gần 1,2 tỷ đồng.

Vì vậy, trong công văn gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, kiến nghị xem xét giải quyết cho Công ty Kinh Đô và các hộ dân tại Chung cư 93 Lò Đúc được đưa vào sử dụng tầng 30 với mục đích làm văn phòng làm việc của Công ty và Nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.

Từ thực tế này, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo những kiến nghị của doanh nghiệp. Thay vì đập phá thì có hình thức xử lý bằng tài chính cho phần xây dựng sai phép này.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc