Những điểm mới tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

13:33, 23/05/2014
|

(VnMedia)- Từ ngày 1/7/2014, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 (TKLP 2013) có hiệu lực thi hành. Luật TKLP 2013 giảm 6 chương và 6 điều so với Luật TKLP 2005.

Từ ngày 01/7/2014. Luật TKLP 2013 có hiệu lực thi hành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ. Ảnh: internet.

Có luật nhưng chưa ngăn chặn được lãng phí

Luật TKLP được ban hành từ năm 2005 đã tạo được khung pháp lý có giá trị cao và đồng bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân. Theo đó, đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong lao động, sản xuất và đời sống. Các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch công tác đưa việc tổ chức triển khai thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành một nội dung của hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành tiêu chí xem xét, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật cho thấy tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, chưa được ngăn chặn triệt để,.

Như trong, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên. Cụ thể, từ năm 2006 đến năm 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp ngân sách nhà nước 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỷ  đồng. Từ 2006 - tháng 7/2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng. 

Trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, cho thấy việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ; số dự án phải điều chỉnh chiếm 15,14% (5.239/34.607); số dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư là 221 dự án, chiếm 0,63% (vi phạm về thủ tục đầu tư 112 dự án, vi phạm về quản lý chất lượng 109 dự án) (tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2011). Kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy hầu hết các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, quyết toán thừa cho nhà thầu.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, khai thác không hết công năng hoặc sai mục đích vẫn còn tồn tại. Một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để lãng phí. Tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền dẫn đến khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra. Quy  hoạch “treo” vẫn còn ở nhiều địa phương gây lãng phí lớn nhưng chậm được khắc phục. 

Vẫn còn cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước chưa đạt hiệu quả cao trong quản lý nhà nước. Đội ngũ cán bộ công chức có nơi chất lượng chưa cao, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn không ít cơ quan, tổ chức chưa có quy chế nội bộ về quản lý thời gian lao động, sắp xếp công việc thiếu khoa học, hợp lý dẫn đến hiệu quả sử dụng thời gian lao động thấp.

Vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa ý thức được việc cần thiết phải áp dụng những biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn sơ hở, sử dụng vốn kém hiệu quả, một số doanh nghiệp thực hiện đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh trong khi năng lực quản lý, trình độ quản trị doanh nghiệp và khả năng tài chính có hạn để thua lỗ kéo dài. Theo Báo cáo số 242/BC-CP ngày 21/9/2012 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2012, Nhà nước đã thực hiện tiết giảm chi phí được 4.433 tỷ đồng trên tổng số 12.548,7 tỷ đồng đã đăng ký, đạt 35.22%.  Năm 2011, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xăng dầu quân đội hoặc có lãi nhưng hiệu quả chưa cao như Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí); một số doanh nghiệp sử dụng đất kém hiệu quả như Tổng công ty CN Sài Gòn, Tổng công ty Văn hoá Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam...

Trong việc tổ chức lễ hội và các hoạt động khác có sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra.

Luật TKLP phí năm 2013 gồm 5 chương với 80 điều, so với Luật TKLP năm 2005 (gồm 11 chương, 86 điều), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 giảm 6 chương và 6 điều.cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung, gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí; kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chi, kiểm toán nhà nước.

Chương II. Quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực, gồm 8 mục và 56 điều (từ Điều 11 đến Điều 66), 

Chương III. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gồm 9 điều (từ Điều 67 đến Điều 75)  quy định về trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, Bộ Tài chính, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan thanh tra; Kiểm toán nhà nước; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.

Chương IV. Khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm gồm 3 điều (từ Điều 76 đến Điều 78) quy định về khiếu nại, tố cáo; khen thưởng; xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Chương V. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 79 và Điều 80) quy định về hiệu lực thi hành và quy định chi tiết Luật.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc