Hôm nay, Toà Tối cao xử lại vụ án oan 10 năm

08:34, 06/11/2013
|

(VnMedia) - Dự kiến ngày hôm nay 6/11, Toà án Nhân dân Tối cao sẽ xử tái thẩm vụ án nghi bị oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn trên cơ sở kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Dư luận đặt ra câu hỏi nếu ông Nguyễn Thanh Chấn được Hội đồng tái thẩm xác định bị oan thì cơ quan nào sẽ phải bồi thường oan sai cho ông Chấn và mức bồi thường dự tính ra sao?
>>
Án oan 10 năm: Kẻ giết người thoát án tử hình?
>> Bộ trưởng Công an phát biểu về vụ án oan 10 năm
>> "Hành trình" trở về của người 10 năm mang tội giết người
>> Nước mắt ngày đoàn tụ của người 10 năm chịu oan sai
>> Người chịu án oan tội giết người được thả

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thanh Chấn

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết, việc bồi thường trước tiên dựa trên vào sự thỏa thuận giữa các bên, Nếu không thỏa thuận thống nhất thì ông Chấn được xem là người bị xét xử oan sai, hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng (trường hợp này là Tòa án) phải bồi thường thiệt hại do đã làm oan cho ông Chấn.

Theo quy định của pháp luật, người bị oan sai có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng phải bồi thường tất cả các khoản thiệt hại do việc oan sai gây ra.

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định, người bị xử oan có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng đã gây oan sai phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho mình.

Cụ thể các khoản bồi thường gồm: thiệt hại về tài sản (tài sản của ông Chấn bị mất mát, hư hỏng, thu giữ trong quá trình tố tụng nếu có), thiệt hại về thu nhập đáng lẽ ra ông Chấn có thể làm ra được nếu không bị ngồi tù, thiệt hại về sức khỏe và quan trọng nhất là thiệt hại về tinh thần.

Đối với khoản bồi thường về tinh thần, việc bồi thường áp dụng theo quy định của điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị tạm giam ngày 28/9/2003, đến ngày 4/11/2013 được trả tự do.

Theo điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: mỗi ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu (theo mức lương tối thiểu của nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường).

Với mức lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng, tức ông Chấn chỉ có thể được bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 115.000 đồng/ngày bị giam oan. Còn những ngày ông bị khởi tố, truy tố, xét xử nhưng không bị giam sẽ được bồi thường bằng một ngày lương tối thiểu (khoảng 38.300 đồng).

Luật sư Thơm cho biết, ông Chấn cũng có quyền đòi bồi thường các tài sản bị hư hỏng trong quá trình điều tra, truy tố, xét sử (nếu có); phần thu nhập bị mất do thời gian bị ngồi tù. Về nguyên tắc, việc bồi thường thu nhập sẽ căn cứ vào nghề nghiệp, công việc mà trước đây ông Chấn đã làm có khả năng tạo ra thu nhập trung bình bao nhiêu thì cơ quan gây oan sai cho ông sẽ phải bồi thường bấy nhiêu. Ông Chấn cũng phải có trách nhiệm chứng minh thu nhập của mình trước khi bị bắt là bao nhiêu.

Theo điều 46 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì việc bồi thường thu nhập sẽ dựa vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Bên cạnh đó, ông Chấn cũng có quyền đòi cơ quan tố tụng phải bồi thường do việc bị giảm sút sức khỏe của mình vì phải ngồi tù oan.

Trả lời báo chí về vấn đề này, luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội) cho rằng, cơ quan nhà nước sẽ không khó để xác định thiệt hại và đưa ra mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Luật sư Thủy lấy ví dụ, về vật chất, một giá trị có thể quy đổi được là thu nhập của ông Chấn. Chẳng hạn, mỗi tháng, thu nhập của ông Chấn khoảng 3 triệu đồng. Mỗi năm là 36 triệu đồng. Mười năm là 360 triệu đồng. Ngoài ra, ông Chấn còn bị thiệt thòi về những khoản vật chất khác, về sức khỏe, tinh thần,...Ông Thủy ước tính, số tiền bồi thường oan sai cho ông Chấn dễ đến tiền tỷ.

Cũng theo luật sư Thơm cho biết, theo luật quy định thì ngoài việc bồi thường, nếu xác định ông Chấn bị oan thì Tòa án sẽ phải khôi phục danh dự cho ông Chấn bằng việc cải chính, xin lỗi công khai", luật sư Thơm nói.

Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức như: trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của ông Chấn có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đăng lời cải chính, xin lỗi trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc