Những lý giải trước "giờ G" vụ án oan 10 năm

20:30, 05/11/2013
|

(VnMedia) - Những ngày gần đây, vụ việc oan sai khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Bên lề Quốc hội hôm nay (5/11), đai biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư đã trao đổi với báo chí về vụ việc này.

Ảnh minh họa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói về vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn


Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về vụ việc oan sai 10 năm đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm?

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Quan trọng nhất trong tố tụng, nước nào cũng vậy, có sai sót nhưng sai sót này phải được đánh giá là sai sót nghiệp vụ do vô ý hay là sự sai sót do thiếu trách nhiệm, sai sót do thiên vị, cố tình thiên vị hay thậm chí sai sót do tiêu cực tham nhũng.

 

Nếu như do nghiệp vụ, nghĩa là trong thời điểm đó các cơ quan không đủ điều kiện cần thiết, khách quan để thu thập đủ chứng cứ, do đó dẫn đến đánh giá sai thì nó vẫn là sai và vẫn phải rút kinh nghiệm để sửa, nhưng sai phạm nghiệp vụ đó được đánh giá ở mức độ khác.

 

Còn nếu trong vụ này đã có chứng cứ rõ ràng, cung cấp cho cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án rằng ông này có bằng chứng ngoại phạm nhưng chứng cứ hiển nhiên đó lại bị bác bỏ thì phải xem nguyên nhân gì: do cố tình thiên vị hay vô cảm với quyền của bị can, bị cáo hay cố tình bảo vệ kết quả bức cung hay thậm chí có tiêu cực, tham nhũng thì phải có xử lý nghiêm khắc hơn.

 

Nhưng quan trọng nhất trong câu chuyện đó là phải bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ được có luật sư ngay từ giai đoạn đầu và được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội một cách triệt để hết sức tạo điều kiện giám sát để loại trừ hành vi bức cung và dùng nhục hình dưới mọi hình thức khác nhau một cách triệt để, có hiệu quả nhất. Bảo đảm quyền có luật sư, người bào chữa của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, bảo đảm chế độ giam giữ của họ theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền của họ được tư vấn pháp luật thì sẽ hạn chế cao nhất những oan sai như vậy.

 

- Vậy theo ông, thực tế qua vụ án này, quyền lợi của ông Chấn đã được đảm bảo như thế nào?

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Như tôi đã nói, hiện nay nguyên tắc suy đoán vô tội là cơ bản của pháp luật hình sự quốc tế và của đa số các quốc gia dân chủ và văn minh, đã được qui định trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự, vấn đề là lâu nay không được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh. Pháp luật Việt Nam đã qui định người bị tạm giữ đã quyền có luật sư trong 24 giờ tạm giam, nhưng nhiều trường hợp không được bảo đảm, chưa kể có định kiến, thành kiến đối với bị can bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội. Chính vì vậy, dẫn đến ép cung, bức cung dẫn đến sai lầm. Chúng ta làm đúng luật pháp hiện nay, bảo đảm quyền có luật sư của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, đối xử như người không có tội đến khi bản án có hiệu lực của tòa án thì hạn chế, khắc phục được nhiều oan sai như vụ ông Chấn

 

- Theo ông, có thể truy cứu trách nhiệm của những cấp ra quyết định giải quyết vụ việc này hay không?

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Điều đó phải xem xét lại. Hiện chưa có cơ sở. Như tôi đã nói, phải xem nguyên nhân gì (do yếu kém nghiệp vụ, điều kiện khách quan lúc đó như giám định chưa có, thiên vị, tiêu cực…) tìm được nguyên nhân mới có biện pháp xét xử hợp lý được.

 

- Vậy có nên đặt vấn đề vì sao mà ông Chấn lại nhận tội giết người hay không, thưa ông?

 

  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đây không phải cá biệt của Việt Nam , nhiều quốc gia khác cũng vậy, khi người ta bị ép cung thì nhận để qua giai đoạn thẩm vấn, điều tra. Chừng nào còn bức cung, ép cung, nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền có luật sự, quyền bào chữa không được bảo đảm như luật đình thì vẫn còn những trường hợp như vậy xảy ra.

 

- Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về vụ việc này?

 

  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Các cơ quan có liên quan phải kiểm điểm, lỗi của điều tra thì công an kiểm điểm, lỗi công tố thì Viện Kiểm sát kiểm điểm, lỗi của tòa án thì tòa án kiểm điểm.

 

Tôi không biết trước đây như thế nào, nhưng lần này vụ việc đã đưa ra trước công luận như vậy thì phải kiểm điểm. Tuy nhiên, quan trọng nhất là luôn có tỷ lệ sai sót trong nghiệp vụ tố tụng nên mới có sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhưng quan trọng phải ở mức độ thấp, chấp nhận được và vì nguyên nhân nghiệp vụ chứ không phải vì những nguyên nhân thiên vị tiêu cực, coi thường quyền của người bị tạm gia, tạm giữ, bị can, bị cáo.

 

- Theo ông, luật pháp của chúng ta còn có bất cập gì để tránh oan sai không?

 

  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Pháp luật Việt Nam có đủ, làm đúng thì sẽ hạn chế rất nhiều. Vấn đề là làm không đúng.

 

- Xin cảm ơn ông.


Xuân Hưng - (ghi, ảnh)

Ý kiến bạn đọc