Án oan 10 năm: Kẻ giết người thoát án tử hình?

20:45, 05/11/2013
|

(VnMedia) - "Khi phạm tội giết người, Lý Nguyễn Chung chỉ mới chưa đầy 15 tuổi nên mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù giam..." -  luật sư Thơm nói.

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thanh Chấn

Liên quan đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (lĩnh án chung thân vì tội giết người) vừa được Viện KSND Tối cao trao quyết định trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù oan, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) về vấn đề này.

Theo luật sư Thơm cho biết, việc xác định oan sai sẽ được quyết định tại phiên tòa tái thẩm ngày 6/11/2013. Lúc đó anh Chấn mới chính thức được Nhà nước công nhận và phát sinh quan hệ Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động tố tụng theo qui định của pháp luật.

Việc làm của Viện KSND Tối cao đã nhìn nhận ra việc sai trái trong hoạt động tố tụng và đã kịp thời khắc phục những sai phạm đó, mang lại niềm tin cho người dân vào pháp luật, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp của công dân.

Luật sư Thơm cho rằng, chúng ta nên hiểu đây là một hoạt động bình thường trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Cán bộ công chức trong ngành tư pháp là con người, đại diện cho cơ quan bảo vệ pháp luật. Đã là con người thì không ai có thể hoàn thiện, tránh được những sai sót ở những mức độ khác nhau.

"Sai sót oan sai này cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Nhưng, việc oan sai này là nghiêm trọng dẫn đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù 10 năm, do đó phải xem xét trách nhiệm cán bộ trực tiếp từ cấp điều tra, truy tố, xét xử và chắc chắn sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm quy định của pháp luật. Hình thức xử lý có thể là kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý kỷ luật. Nếu sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý theo qui định", luật sư Thơm nói.

Cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn?

Theo luật sư Thơm, việc bồi thường oan sai này căn cứ vào Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Căn cứ khoản 2 điểm a, điều 32 thì Tòa án cấp phúc thẩm TAND Tối cao là cơ quan xét xử cuối cùng tuyên án Bị cáo phạm tội với hình phạt tù chung thân là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Trả lời câu hỏi, nếu đối tượng Chung là hung thủ thực sự thì ngoài tội danh bị truy cứu là giết người, cướp tài sản như ông Chấn phải chịu, việc anh ta giấu tội lỗi trong 10 năm qua sẽ được cơ quan tố tụng đánh giá thế nào (có phải là tình tiết tăng nặng)?, luật sư Thơm cho rằng, việc Chung giấu tội lỗi, không trình báo hành vi phạm tội của mình trong suốt 10 năm đã qua không là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi xét xử.

Theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự qui định: Xác định sự thật của vụ án. Theo đó cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoa vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản. Trong trường hợp này việc Chung ra trình diện, khai báo rõ ràng hành vi phạm tội của mình và cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án có đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội thì khi xét xử Chung sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm p, khoản 1 điều 46 BLHS và tình tiết “tự thú” được qui định tại điểm o khoản 1 điều 46 BLHS.

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là khi phạm tội Lý Nguyễn Chung chỉ vừa 14 năm 8 tháng tuổi thì phải xử lý thế nào? Về vấn đề này, luật sư Thơm cho biết: Đối tượng Chung thì đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng là Giết người và cướp tài sản thì sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, tính từ thời điểm phạm tội thì Chung mới 14 tuổi 8 tháng nên Chung phạm tôi thuộc trường hợp Người chưa thành niên phạm tội được qui định tại Điều 74 BLHS: Tù có thời hạn

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Do đó, khi xét xử Chung thì hình phạt cho cả 02 tội sẽ không quá 12 năm tù giam.

Điều 32. Trách nhiệm bồi thường của Toà án nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự

2. Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các  trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
 


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc