Khủng khiếp vì chất thải nhà máy điện phân kẽm

09:58, 21/08/2013
|

(VnMedia)- Khí thải do nhà máy kẽm điện phân đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí xung quanh  nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng là chỉ tiêu cadimi (Cd) vượt 2.615 lần so với quy chuẩn quốc gia…. Nhưng nhà máy vẫn ngang nhiên tồn tại.

 Ảnh minh họa

 Bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết, cổng sắt nhà bà luôn phải sơn lại mà lúc nào cũng rỉ sét.


Ám ảnh sự chết chóc ngay cạnh nhà

Thời gian gần đây, những người dân phố Chương Lương, phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đang sống trong tâm trạng bất an khi cây cối xung quanh đang chết dần, chết mòn, héo úa. Trồng cây gì lên thì đều thấy rụng lá, cây cối chết khô. Tự đi tìm hiểu, người dân suy đoán do chất thải của nhà máy kẽm điện phân Cty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên nằm ngay trên địa bàn. Để giải đáp thắc mắc, người dân đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng và báo chí nhờ giúp đỡ.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã đến gặp một số người dân gần nơi đặt nhà máy. Ông Cao Văn Minh (Tổ trưởng Tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang, thị xã Sông Công) cho biết: "Cánh đồng Tràng Ba, cánh Đồng Kè, tổ dân phố Chương Lương, làng Mới phường Bách Quang cháy hết lúa do chất thải của nhà máy điện phân kẽm. Các đồi cây xung quanh đang  chết dần chết mòn. Hằng ngày, nhất là những ngày mưa, ai ai trong khu vực cũng thấy cay mắt, cay mũi, khó thở…; rất nhiều người phải đi viện khám đường hô hấp".

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc (tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang, thị xã Sông Công) khi chỉ vào đám cây cối trong vườn nhà như dứa, chanh, quất, xoài, nhãn, vải, ổi, bưởi, chè... cho hay: "Từ năm nhà máy kẽm vào hoạt động không còn được thu hoạch, rụng hết lá, cây cối chết khô. Con tôi bị viêm họng, không thể thở được phải đi bệnh viện. Nhà ai cũng có người bệnh".

Không những thế, theo bà Nguyễn Thị Ngọc: “Cổng sắt nhà tôi luôn bị han gỉ, phải sơn lại suốt. Sắt thép còn chẳng chịu được nữa là con người (!)”.
 
Biết nguy hại vẫn cho tồn tại?

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành đo, kiểm tra chất lượng không khí xung quanh nhà máy kẽm điện phân.

Biên bản đo kiểm tra ngày 8/7/2013 cho thấy, không khí xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng - một số chỉ tiêu hóa học có trong không khí có thể gây chết người luôn vượt quá quy chuẩn. Cụ thể:  Chỉ tiêu H2S trong không khí xung quanh vượt từ 31,4 lần đến 61,6 lần cho phép; chỉ tiêu SO2 trong không khí vượt từ 1,1 đến 7,1 lần; chỉ tiêu HCL trong không khí vượt từ 1,2 đến 11,07.

Ngày 19/7, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tổ chức lấy mẫu và phân tích mẫu nước từ nhà máy nước điện phân chảy vào mương La Vang để đánh giá mức độ ô nhiễm. Kết quả phân tích cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại, đặc biệt nghiêm trọng là chỉ tiêu cadimi (Cd) vượt 2.615 lần so với quy chuẩn quốc gia; chì (Pb) vượt 62 lần...

Ngày 11/7 và ngày 9/8, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên có các báo cáo số 370 và 418 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh Thái Nguyên, nêu rõ:

Khí thải do nhà máy kẽm điện phân đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí xung quanh  nghiêm trọng. Cụ thể: Chỉ tiêu Pb vượt 62 lần, Chỉ tiêu H2S trong không khí xung quanh vượt từ 31,4 lần đến 61,6 lần so với giới hạn cho phép (theo quy chuẩn VN); Chỉ tiêu SO2 trong không khí vượt từ 1,1 đến 7,1 lần so với quy chuẩn Việt Nam; chỉ tiêu HCL trong không khí vượt từ 1,2 đến 7,1 lần so với quy chuẩn VN. Đặc biệt nghiêm trọng là chỉ tiêu cadimi (Cd) vượt 2.615 lần so với quy chuẩn quốc gia…

Trao đổi với báo chí, ông Phan Mạnh Cường  - Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên - cho biết: “Nhiều nhà đầu tư khi đến xem xét đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công I đã lo ngại về vấn đề môi trường do nhà máy kẽm điện phân gây ra, họ đã đi tìm địa điểm đầu tư khác, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư mà nguyên nhân do ô nhiễm  môi trường của nhà máy kẽm điện phân”.

Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng khác của tỉnh Thái Nguyên đều đã nhận được báo cáo chi tiết về ô nhiễm môi trường do nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên gây ra, nhưng đến nay nhà máy này vẫn ung dung hoạt động.

Người dân đang bị đầu độc như thế nào?

Theo các tài liệu khoa học đã được công bố và quy chuẩn quốc gia: Pb - chì là một kim loại độc có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em và có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu. Tiếp xúc lâu ngày với chì hoặc các muối của nó hoặc các chất ôxy hóa mạnh như PbO2 có thể gây bệnh thận và các cơn đau bất thường giống như đau bụng. Đối với phụ nữ mang thai, khi tiếp xúc với chì ở mức cao có thể bị sẩy thai. Tiếp xúc lâu dài và liên tục với chì làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.

Cadimi (Cd) - cadmium là một nguyên tố vô cơ, thuộc nhóm kim loại nặng. Cd cùng với chì, thủy ngân là các độc chất thuộc loại độc nhất đối với cơ thể con người. Cd rất độc, độc gấp nhiều lần so với chì, là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan-thận, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và tăng nguy cơ dị dạng cho thai nhi…

H2S - hydrogen sulfide ở nồng độ rất cao thì có hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây chết người.

SO2 - đioxít sunfua là chất gây ô nhiễm không khí, rất độc hại đối với sức khoẻ của người và sinh vật, gây ra các bệnh về phổi khí phế quản. SO2 trong không khí khi gặp ôxy và nước tạo thành axít, tập trung trong nước mưa gây ra hiện tượng mưa axít. Trường hợp tiếp xúc ào ạt với SO2 có thể làm chết người do nguyên nhân ngừng hô hấp.

Tác hại của SO2 đối với chức năng phổi nói chung rất mạnh khi có mặt của các hạt bụi trong không khí hô hấp. Ngoài ra, SO2 còn gây tác hại cho cơ quan tạo máu (tủy, lách), gây nhiễm độc da, gây rối loạn chuyển hóa protein – đường, gây thiếu các vitamin B và C, ức chế enzym oxydaza.

HCI - hiđrô clorua tạo thành axít clohiđric có tính ăn mòn cao khi tiếp xúc với cơ thể. Việc hít thở phải hơi khói gây ra ho, nghẹt thở, viêm mũi, họng và phần phía trên của hệ hô hấp. Trong những trường hợp nghiêm trọng là phù phổi, tê liệt hệ tuần hoàn và tử vong. Tiếp xúc với da có thể gây mẩn đỏ, các thương tổn hay bỏng nghiêm trọng. Nó cũng có thể gây ra mù mắt trong những trường hợp nghiêm trọng.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc