Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: Trâu buộc ghét trâu ăn!

09:56, 21/08/2013
|

(VnMedia)- Theo chủ trương xã hội hoá giáo dục, rất nhiều địa phương trong cả nước đã lập hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này đang bị làm “méo mó” vì sự cạnh tranh không lành mạnh giữa "trâu buộc" và "trâu ăn"...

 Ảnh minh họa

 Trường trung cấp Việt Anh


Bộ đánh giá cao, trường vẫn lận đận

Trường trung cấp Việt Anh (trụ sở chính tại TP Vinh, Nghệ An), được thành lập năm 2008, chính thức tuyển sinh từ năm 2009 với các ngành nghề chính là: kế toán, du lịch, dược sỹ và y sỹ. Với diện tích gần 3ha, tổng đầu tư giai đoạn 1 lên tới 60 tỷ đồng ( giai đoạn 2 hơn 25 tỷ đồng), trường Việt Anh được đánh giá là trường tư thục có cơ sở vật chất hàng đầu ở tỉnh Nghệ An nói riêng, miền Bắc nói chung. Bên cạnh đó, nhà trường rất chú trọng tới chất lượng đào tạo nên đã đầu tư bài bản cho công tác này với đội ngũ giảng viên uy tín, có học hàm, học vị cùng kinh nghiệm và phương pháp sư phạm tốt. Đầu tư giáo trình, giáo án và phương pháp đào tạo học đi đôi với thực hành, gắn đào tạo lý thuyết với hành nghề thực tiễn. Chính bởi phương pháp giáo dục tiên tiến này mà sinh viên của trường Việt Anh ra trường dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, uy tín của trường Việt Anh ngày càng được nâng cao. Nhiều học sinh trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Quảng Bình cũng về đây học.

“Trường Việt Anh hiện có 80 cán bộ, giáo viên thì có tới 23 người là thạc sỹ chuyên ngành, 23 bác sỹ, dược sỹ, đều tốt nghiệp ĐH Y, ĐH Dược Hà Nội. Bộ Y tế đã vào kiểm tra sát hạch lại đội ngũ giáo viên của chúng tôi và đánh giá đội ngũ của chúng tôi đạt chuẩn. Năm vừa rôi chúng tôi có 5 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên đạt giỏi quốc gia. Chúng tôi rất coi trọng chất lượng đào tạo vì vậy không có cơ sở để khẳng định giáo viên của chúng tôi không có bằng cấp chuyên ngành. Bản thân tôi là phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, tôi có bằng thạc sỹ chuyên ngành giải phẩu của trường ĐH Vinh, vậy nên thông tin nói tôi không có bằng cấp chuyên môn mà phụ trách chuyên môn đào tạo y, dược là sai sự thật”, thầy Lê Văn Đức, Phó hiệu trưởng trường Việt Anh khẳng định.

Về cơ sở vật chất của trường, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ, trường Việt- Anh là trường chịu khó đầu tư, có cách quản lý hay như điểm danh sinh viên bằng vân tay… Nhưng chính ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết, có sự "cạnh tranh không lành mạnh" trong đào tạo tuyển sinh của trường này với trên địa bàn bởi "thỉnh thoảng" Bộ lại nhận được thông tin phản ánh về trường. Gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhận được đơn qua mail của một người dân tố cáo về một số sai phạm của nhà trường. Dù theo quy định của pháp luật, đơn nặc danh thì không xem xét xử lý sai phạm, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại gửi văn bản về địa phương yêu cầu kiểm tra, báo cáo về Bộ.

Vì đâu nên nỗi?

Việc lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản yêu cầu kiểm tra về ngôi trường mà chính lãnh đạo Bộ cũng đánh giá cao dường như có việc mâu thuẫn. Mặc dù, ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, việc yêu cầu cấp dưới kiểm tra, xem xét về dư luận của một trường nào đó là việc làm hoàn toàn bình thường, thuộc chức năng của Bộ chứ không có gì là sai trái. Và việc kiểm tra cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng!

Theo tìm hiểu của phóng viên, lá đơn tố cáo gửi qua mail đến Bộ có đưa ra một số nghi ngờ xung quanh việc bằng cấp của hiệu phó trường Việt Anh; việc liên kết đào tạo với trường Cao đẳng Asean.

Thầy Phan Huy Hoàng, hiệu phó trường Việt Anh, chia sẻ: tháng 2/1975, tôi được nhà nước cử đi học ở Bungari, ngành nông nghiệp. Năm 1979, tốt nghệp, thầy Hoàng được nước bạn cấp bằng tốt nghiệp. “Sau đó, tôi ở lại Bungari làm việc hơn 7 năm mới về nước. Bằng cao đẳng của tôi do Bungari cấp, được công nhận trên toàn thế giới”, thầy Hoàng nói.

Liên quan đến văn bằng của thầy Phan Huy Hoàng, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, đây là cái “khó” cho anh Hoàng. Ông Vinh cũng khẳng định việc thầy Phan Huy Hoàng đi học ở nước ngoài là có thật. Nhưng, do hệ thống giáo dục khác nhau, nên không có quy định nào thừa nhận việc thầy Phan Huy Hoàng có thể chuyển đổi bằng của Bungari sang hệ thống bằng cấp tương đương của Việt Nam.

Theo ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, trường Việt Anh là trường tư nhưng trường và ông Hoàng – là người đầu tư thành lập trường đều có tâm và làm việc thực chất, có hiệu quả nên vẫn để ông Hoàng giữ vị trí đó. Về việc liên kết đào tạo với trường Cao đẳng Asean thì chính Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An lại cho phép trường Việt Anh thực hiện việc đó. Khi Bộ tiến hành kiểm tra, Sở Giáo dục Đào tạo Nghệ An mới “phát hiện” trường có lỗi nhưng đã kiểm tra, xử phạt. Như vậy, ở góc độ quản lý nhà nước tại địa phương, rõ ràng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã làm chưa đúng vai trò, dẫn đến việc dư luận hiểu không đúng và có những thông tin chưa chính xác đến lãnh đạo Bộ.

Nhưng điều bất ngờ hơn là ông Thái Huy Vinh cũng cho rằng những thông tin về trường Việt Anh nói trên chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân “ghen ăn tức ở” mà  thôi.

Điều khiến người viết băn khoăn là vì sao, cả lãnh đạo Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều nhận định sự việc tại trường Việt Anh là do "ghen ăn tức ở" mà ra, nhưng vì sao ngành chức năng lại biến sự việc trở nên trầm trọng khi ra văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét từ những sự việc mà đã biết mục đích từ đầu?

Kỳ II: Không có cơ sở vẫn “tung hoành” tuyển sinh


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc