Vì sao chưa bắt 10 bị can vụ "nhân bản" xét nghiệm?

07:09, 21/08/2013
|

(VnMedia) - "Cơ quan công an chưa làm lệnh bắt giam với 10 đối tượng này do họ là cán bộ, viên chức có lai lịch rõ ràng. Bản thân quá trình làm việc với Cơ quan CSĐT khai báo thành khẩn và không có biểu hiện trốn tránh"...

>>
Khởi tố Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức

Ảnh minh họa
Thiếu tướng Trần Thùy tại cuộc họp chiều ngày 20/8

Liên quan đến việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), sáng ngày 20/8, Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố đối 10 bị can là lãnh đạo, nhân viên bệnh viện này.

Tại cuộc họp chiều ngày 20/8, Thiếu tướng Trần Thùy - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thủ trưởng cơ quan điều tra cho biết, hiện cơ quan công an chưa làm lệnh bắt giam với 10 đối tượng này vì 3 lý do: Thứ nhất là 10 bị can này đều công nhân viên chức có lý lịch, nơi làm việc rõ ràng; Thứ hai là trong quá trình làm việc, số đối tượng này không có biểu hiện trốn tránh, họ tự giác và khai báo thành khẩn những việc làm sai trái của mình và không có biểu hiện trốn tránh; Thứ 3 là sau khi VKSND TP Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, sáng ngày 20/8, cơ quan điều tra triệu tập để tống đạt quyết định khởi tố thì cả 10 người này đều có mặt.

Thông tin ban đầu từ cơ quan công an cho biết, trong thời gian từ ngày 1/8/2012 đến ngày 31/5/2013, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cùng 7 nhân viên đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong các kết quả xét nghiệm có 1.495 trường hợp có kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và ngoại trú trùng nhau.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã có đủ tài liệu chứng cứ xác định trong số 1495 trường hợp trùng thì có 764 kết quả xét nghiệm khống. Bảo hiểm xã hội đã chi trả cho mỗi kết quả xét nghiệm là 21 ngàn đồng. Như vậy, bảo hiểm phải thanh toán là khoảng hơn 16 triệu đồng.

“Hậu quả vật chất cho đến thời điểm này thì rất bé nhưng cân nhắc hậu quả phi vật chất rất lớn trong đó có việc vi phạm y đức. Dư luận và công luận thấy việc này trái với quy định nghề nghiệp. Đây là hậu quả lớn nhất...", thiếu tướng Trần Thùy nói.

Cũng theo thiếu tướng Trần Thùy cho hay, theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Công an TP Hà Nội đã có phương  án và giao cho công an huyện thực hiện việc bảo vệ người tố cáo.
Cho đến thời điểm này, cơ quan công an xác định các xét nghiệm "nhân bản" được in ra để làm bảo hiểm chứ chưa phát hiện ra là được đưa vào để chữa bệnh cho bệnh nhân. 

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ hành vi sai phạm của 10 bị can và những người có liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong số 10 bị can bị khởi tố, ông Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức và bà Nguyễn Thị Nhiên, phó giám đốc, trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285, Bộ Luật Hình sự.

8 bị can còn lại bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281, Bộ luật hình sự gồm: Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa xét nghiệm; Phan Thị Oanh, Kỹ thuật viên trưởng; Nguyễn Thị Xuyên, Kỹ thuật viên; Nguyễn Thị Nga, Kỹ thuật viên; Vương Thị Lan, Kỹ thuật viên; Nguyễn Thu Trang; Nguyễn Thị Hồng Nhung; Nguyễn Đồng Sơn cùng là kỹ thuật viên làm việc theo hợp đồng. 


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc