Dự án "chia sông Hồng thành 7 khúc" được nhiều bộ ngành đồng thuận?

08:01, 06/05/2016
|

(VnMedia) - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án xây dựng 6 công trình thủy điện trên sông Hồng của đại gia Ninh Bình nhận được sự đồng thuận “khá cao” từ các Bộ, ngành...

sông Hồng
Nếu được cho phép, dự án của vị "đại gia Ninh Bình" sẽ chia sông Hồng thành 7 khúc bởi 6 thủy điện - ảnh minh họa

Chiều 5/5, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc vừa qua, doanh nghiệp Xuân Thiện tại Ninh Bình có đề xuất xây dựng 6 thủy điện trên sông Hồng khiến nhiều chuyên gia lo ngại, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là dự án mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ KH&ĐT đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.

“Chúng tôi đã nhận được một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ là ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án” - ông Tự cho hay.

Theo vị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư.

“Với các nhà đầu tư, chúng ta rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP” - ông Tự nói.

Cũng theo ông Tự: “Chúng tôi nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này. Chúng tôi đã bước đầu báo cáo Chính phủ”.

Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông và như vậy sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào…

“Tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.  Tất cả những vấn đề như vậy, hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu. Những vấn đề môi trường mà nhà báo quan tâm là hoàn toàn chính đáng và chỉ có thể giải quyết được ở giai đoạn sau” - ông Tự nói.

Siêu dự án nói trên do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất. Theo báo cáo của nhà đầu tư thì dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai, với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 24.510 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia đã đặt ra một loạt câu hỏi, trong đó đặc biệt quan ngại khi một siêu dự án nhưng toàn bộ quá trình thẩm định chỉ kéo dài chưa đến nửa năm. Thứ hai, ông Phạm Trung Tuyến lo ngại, 6 đập dâng nước phục vụ 6 nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Hồng chắc chắn sẽ làm biến đổi dòng sông Hồng theo một cách mà không ai có thể lường trước được.

Thứ ba, với 6 con đập, dòng sông Hồng đương nhiên bị chia cắt thành 7 khúc và giao thông đường thủy sẽ không thể thông suốt. Khi đó, các phương tiện thủy sẽ chỉ có thể vận chuyển từng chặng ngắn và buộc phải sử dụng hệ thống 7 cảng sông dọc tuyến như phương án của nhà đầu tư.

Thứ tư, toàn bộ tàu thuyền sẽ phải sử dụng hệ thống cảng của nhà đầu tư. Dĩ nhiên. Và thêm nữa, tất cả hoạt động giao thương đường thủy của người dân sẽ phải chịu thêm một khoản phí mà nhà đầu tư đề xuất là 10.000đ/tấn cho đoạn Việt Trì-Yên Bái, 40.000đ/tấn cho đoạn Yên Bái – Lào Cai. Như vậy, chỉ với quãng đường chưa đầy 100km từ Việt Trì tới Yên Bái, một xà lan trung bình 1000 tấn sẽ phải chịu mức phí tới 10 triệu đồng.

Thứ năm, dự án này được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) tức là sẽ không có thời hạn, nhà đầu tư có thể thu phí vĩnh viễn đối với luồng tuyến, đồng nghĩa với việc sở hữu hoàn toàn dòng sông Hồng.

“Đồng bằng châu thổ sông Hồng sẽ có số phận ra sao khi cả dòng sông Hồng trở thành sân chơi riêng của một nhà thầu giàu tham vọng?”- Phó Giám đốc kênh Giao thông Quốc gia đặt câu hỏi.


Ý kiến bạn đọc