Ra mắt mạng 4,5G LTE-TDD+ thương mại đầu tiên trên thế giới

10:17, 21/08/2015
|

(VnMedia) - Mới đây, nhà mạng lớn nhất tại Trung Quốc, China Mobile, đã hợp tác với Huawei và Qualcomm để tiến hành thử nghiệm và chính thức cho ra mắt phiên bản thương mại đầu tiên của mạng 4,5G LTE-TDD+.

Theo đó, để có mạng nâng cấp này, China Mobile đã sử dụng công nghệ nén dữ liệu đường lên UDC (Uplink Data Compression) qua một mạng TD-LTE thực. UDC được thiết kế với mục đích nâng cao hiệu quả đường lên bằng cách sử dụng modem LTE để nén một cách thông minh dữ liệu đường lên tại lớp thấp hơn trên mạng LTE dựa trên các điều kiện và lưu lượng ứng dụng thực .

Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy UDC có thể làm tăng 50% năng lực hệ thống đường lên . Theo đó, nhiều khả năng, công nghệ này có thể được nhà mạng sử dụng để tối ưu hóa các nguồn lực đường lên trên mạng T D D-LTE, làm tăng đáng kể số lượng người dùng đường lên trong cùng một thời điểm và cải thiện hiệu suất nén cho các ứng dụng và dịch vụ bao gồm cả WeChat và trình
duyệt web.

  Ảnh minh họa

   Người dùng di động băng rộng.  Ảnh minh họa


Bên cạnh đó, UDC còn giúp giảm thiểu độ trễ cho dịch vụ trình duyệt web được cung cấp tại những khu vực có sóng di động yếu hoặc tại những vị trí thuộc đường biên của vùng phủ sóng.

Các tiêu chuẩn 4,5G TDD+ sẽ có khả năng kết hợp và phát huy các ưu điểm nổi bật nhất của các công nghệ Massive MIMO, 3D Beamforming và UDC. Như vậy mạng 4,5G LTE-TDD còn được công nhận là một dạng tiền thương mại của mạng 5G. Nó hứa hẹn mang lại cho người dùng trải nghiệm dịch vụ băng rộng di động tốc độ gigabit.

Massive MIMO là một trong những công nghệ chủ chốt cho 5G, sử dụng công nghệ đa ăng-ten, cải thiện hiệu quả phổ tần không dây theo cấp số nhân, làm tăng mức độ phủ sóng và dung lượng của hệ thống, giúp các nhà mạng tận dụng triệt để các trạm phát sóng và dải phổ tần hiện có.

Trong khi đó 3D Beamforming giúp phát hiện vị trí của một điện thoại thông minh và gửi một đường truyền hẹp được gọi là "tia bút chì" trực tiếp đến thiết bị trong một đường thẳng. Công nghệ này được lựa chọn sử dụng là do tần số sóng milimet yêu cầu đường truyền không bị cản trở do đó nó không thể thực hiện kết nối trong môi trường trong nhà hoặc khi điện thoại được đặt trong túi. Công nghệ này tương tự như những gì được sử dụng với truyền hình vệ tinh, trong đó sử dụng sóng milimet 11GHz và đòi hỏi phải có một đường truyền lý tưởng giữa các vệ tinh.

Trong lần hợp tác này, China Mobile và Huawei còn triển khai một số dự án hợp tác về triển khai và cung cấp dịch vụ thoại chất lượng cao trên hạ tầng mạng LTE sẵn có (VoLTE). Dự kiến, thuê bao di động tại thành phố Chiết Giang sẽ là những người đầu tiên tại Trung quốc được sử dụng dịch vụ này .

Thử nghiệm thương mại này cùng với một số thử nghiệm tương tự khác đã được triển khai tại các thị trường di động phát triển như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc một lần nữa cho thấy những tiến bộ nhanh chóng của cả nhà mạng và nhà cung cấp thiết bị trong nghiên cứu và triển khai các công nghệ tiền 5G và 5G.


Minh Anh - (Nguồn: telecomasia.net)

Ý kiến bạn đọc