Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh: Rẻ và sinh động

06:59, 17/11/2014
|

(VnMedia) - Với “Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh”, giờ đây những người tham quan bảo tàng sẽ cảm thấy thú vị hơn khi có thể tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp trên bề mặt hiển thị nội dung multimedia.

Là 1 trong 9 sản phẩm xuất sắc lọt vào Chung khảo NTĐV 2014 trong lĩnh vực sản phẩm CNTT triển vọng, nhóm tác giả của “Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh” đã có buổi bảo vệ ấn tượng trước Hội đồng Chung khảo vào chiều qua (16/11). Theo trưởng nhóm Lê Yên Thanh, mục tiêu ban đầu của nhóm tác giả, gồm 7 thành viên đa phần vẫn còn là những sinh viên có tuổi đời rất trẻ, là mong muốn mọi người sẽ thích thú hơn khi đến tham quan bảo tảng.

Hiện tại, hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam chỉ trưng bày các mẫu vật, mô hình, hình ảnh, video mà thiếu đi sự tương tác. Trong khi đó, các bảo tàng hiện đại trên thế giới luôn được trang bị những hệ thống cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp trên hệ thống trình chiếu vô cùng ấn tượng và hấp dẫn. Tuy nhiên, những hệ thống này chưa được triển khai ở Việt Nam, đồng thời chi phí để nhập khẩu những công nghệ này từ nước ngoài sẽ rất cao. Từ đó, nhóm đã hình thành ý tưởng để phát triển một hệ thống cho phép tạo ra bảo tàng tương tác có khả năng đa chạm thông minh. Đó là “Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh”.

Ảnh minh họa
Mang sản phẩm demo từ thành phố Hồ Chí Minh ra, nhóm tác giả đang lắp ghép sản phẩm để chuẩn bị bảo vệ.

“Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh” cho phép người dùng có thể tương tác đa chạm trên 1 bề mặt hiển thị nội dung multimedia. Các thông tin triển lãm (ví dụ như các loài động vật trong môi trường tự nhiên, các cổ vật trong viện bảo tàng, các địa danh lịch sử, các hiện tượng trong tự nhiên) sẽ được trình chiếu trên bề mặt tương tác dưới dạng video tự nhiên. Người dùng có thể chạm vào các đối tượng đang được hiển thị trên màn hình, hệ thống sẽ cung cấp những thông tin multimedia tương ứng với đối tượng đó để người dùng có thể tìm hiểu những thông tin gắn liền với một danh nhân, một hiện tượng, hay một cổ vật…

Ảnh minh họa
Demo ấn tượng khả năng tương tác các đối tượng đang được hiển thị trên bề mặt chiếu.

Để triển khi hệ thống này, các bảo tảng chỉ cần kết nối mạng Internet, 1 chiếc camera độ sâu, 1 mặt phẳng kính, 1 máy chiếu (có thể thay thế mặt phẳng kính và máy chiếu bằng màn hình) và 1 máy tính cùng với ứng dụng đã được cài đặt sẵn trên máy tính. Nhờ vào camera đo độ sâu và ứng dụng cài đặt trên máy tính, mặt phẳng kính có thể được sử dụng như 1 bề mặt cảm ứng và cho phép người dùng tương tác trên bề mặt.

Ảnh minh họa


“Sẽ thật sự thú vị hơn khi mang lại cho người xem những trải nghiệm mới, cảm giác thích thú, khả năng dễ dàng tiếp thu hơn những thông tin bổ ích nếu như những thông tin đó được trình diễn với nhiều hiệu ứng và đặc biệt là có khả năng tương tác với người xem”, trưởng nhóm Lê Yên Thanh hào hứng chia sẻ.

Ảnh minh họa


Theo ước tính của nhóm, chi phí cho hệ thống chỉ bao gồm camera độ sâu có giá khoảng 200-300USD, máy chiếu thông thường hoặc là màn hình cùng với máy tính. Chính vì tính phổ biến của máy chiếu cũng như máy tính, hoàn toàn có khả năng tái sử dụng lại những thiết bị đã sẵn có. Vì vậy nếu hệ thống đã có sẵn máy tính thì chỉ cần đầu tư thêm thiết bị camera 3D (PrimeSense, Microsoft Kinect). Chi phí này hiện chưa bao gồm chi phí của hệ thống phần mềm tương ứng.

Tại buổi bảo vệ sản phẩm, Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, đại diện Hội đồng Chung khảo NTĐT 2014 đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng của sản phẩm này. Sản phẩm có giá thành sản xuất thấp, có tiềm năng áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ về bảo tàng mà còn về các hoạt động học tập, giải trí, thương mại nên sẽ có nhiều tiềm năng phát triển thương mại hóa. Ngoài ra, nhóm có thể đưa sản phẩm này vào trong giáo dục sẽ làm tăng thêm giá trị gia tăng trong bảng tương tác thông minh.  

Vì là sản phẩm dự thi trong lĩnh vực sản phẩm CNTT triển vọng nên chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót và nhiều hướng phát triển mà nhóm chưa nghĩ tới. Tuy nhiên, tại buổi bảo vệ, Ban Giám khảo đã đưa ra những gợi ý, góp ý và tư vấn rất phù hợp với thực tế để nhóm phát triển và hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Chẳng hạn như hệ thống của nhóm có thể mở rộng ra cho sử dụng điều khiển bằng âm thanh. Đây là điều mà nhóm tác giả chưa nghĩ tới và rất tâm đắc khi được Ban Giám khảo NTĐV 2014 gợi ý. Đó là một hướng để nhóm phát triển, mở rộng thêm hệ thống, trưởng nhóm Lê Yên Thanh cho biết thêm ngay sau buổi bảo vệ.

Nhóm tác giả hy vọng sẽ đạt giải trong NTĐV 2014 và kỳ vọng thông qua Giải thưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ để hoàn thiện, phát triển sản phẩm hơn nữa và đưa sản phẩm hữu dụng này đi vào thực tiễn cuộc sống.


Tuệ Minh - (ảnh: Duy Huy)

Ý kiến bạn đọc