Ngôi trường “rút ngắn khoảng cách” vùng núi và miền xuôi

15:10, 18/12/2014
|

(VnMedia) - Trường Trung học Bưu chính Viễn thông Miền núi (Thái Nguyên), tiền thân là Trường Công nhân Bưu điện Miền núi, là một địa chỉ đào tạo về lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin có bề dày truyền thống gần 50 năm.


Kể từ ngày thành lập ( 26/5/1965) đến năm 2006, nhà trường đã trải qua 3 lần xây dựng trường lớp, thay đổi tên gọi và cũng 3 lần thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo. Nhìn lại hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ trung cấp, công nhân kỹ thuật - nghiệp vụ mà Ngành giao cho, góp phần vào sự phát triển của ngành và đất nước. Chỉ tính từ năm 1991 đến 2006, nhà trường đã đào tạo được hơn 2400 công nhân kỹ thuật- nghiệp vụ, bối dưỡng ngắn hạn, ôn tập, thi nâng bậc cho trên 34.000 công nhân Bưu điện 11 tỉnh vùng núi Bắc Bộ; thực hiện mô hình đào tạo mới và đa dạng hoá các loại hình học tập từ chính quy đến mở rộng, nâng bậc nghề đến bổ túc văn hoá cho con em các dân tộc ít người chưa học hết chương trình phổ thông…

 

Ngành Bưu điện lâu nay được đánh giá cao trong việc nối liền và rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng núi và miền xuôi. Trong thành tích chung của ngành trong quá trình phát triển cũng như của xã hội, Trường BCVT-CNTT Miền núi cũng đã có đóng góp một phần không nhỏ. Bên cạnh việc đào tạo nhân lực cho VNPT, trường đã hoàn thành rất xuất sắc các nhiệm vụ đào tạo cho địa phương, cho an ninh quốc phòng và nhân lực về bưu chính viễn thông cho hai nước bạn Lào, Campuchia.

Năm 2006, việc đổi tên thành trường Trung học BCVT-CNTT Miền núi là niềm phấn khởi nhưng đồng thời cũng là một thách thức to lớn đặt ra cho toàn thể cán bộ giáo viên nhà trường. Phát huy truyền thống của một đơn vị anh hùng, ( Huân chương Lao động hạng Nhì; Ba Huân chưong Lao động hạng Ba; danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân…) nhà trường đã nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; hiện đại hoá cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập; đổi mới toàn diện theo mô hình trường Trung học nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ để khẳng định được uy tín và thương hiệu của một cơ sở đào tạo về lĩnh vực BCVT và CNTT thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

 

Thực tế, sự phát triển về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo rất cao, không chỉ lao động có trình độ đại học, cao đẳng mà đội ngũ công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề cũng đang rất thiếu thốn, cấp bách. Tuy nhiên, tại những địa phương miền núi cũng gặp rất nhiều khó khăn về công tác đào tạo, tuyển sinh bởi mặt bằng đào tạo còn thấp, kinh tế xã hội phát triển không đồng đều.

 

 

Ảnh minh họa


Việc nhà trường được mang tên Trường Trung học Bưu chính Viễn thông Miền núi năm 2006, không đơn thuần chỉ là một sự thay đổi tên gọi mà đó là một bước phát triển quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực BCVT-CNTT tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015, trong đó có nội dung thực hiện điều chuyển Trường trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin Miền núi về cho Thái Nguyên quản lý.

 

Ngày 12/12/2014 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện điều chuyển Trường trung học BCVT và CNTT Miền núi về cho địa phương quản lý.

Trong nhiều năm qua, nhà trường đã đào tạo lực lượng công nhân bậc cao về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, góp phần vào sự phát triển chung của Ngành. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh, quy mô đào tạo.

 

Trường Trung học Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin Miền núi là một trong 4 ngôi trường trung học, là thành viên của Tập đoàn VNPT, với bề dày truyền thống trên 49 năm xây dựng và trưởng thành; trường có 58 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm 2014, VNPT giao cho Trường đào tạo, bồi dưỡng tổng số 52 khóa học với hơn 1.300 học viên là cán bộ, nhân viên thuộc Bưu điện, Viễn thông các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; ngoài ra còn có một số lớp đang học và chuẩn bị thi tốt nghiệp tại Thái Nguyên và Bắc Cạn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT và tỉnh Thái Nguyên đã nhất trí cao chủ trương trên và cùng thống nhất, bàn bạc phương án bàn giao, tiếp nhận nhà trường về địa phương quản lý. Theo đó, Thái Nguyên sẽ tiếp nhận toàn bộ diện tích đất khuôn viên (gần 36 nghìn m2); nhà cửa vật kiến trúc, phương tiện vận tải, dụng cụ quản lý, máy móc thiết bị (khoảng 8,6 tỷ đồng) và toàn bộ nguồn lực của nhà trường.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã thống nhất sẽ bàn giao nguyên trạng nhà trường về tỉnh Thái Nguyên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuyển giao cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho tỉnh quản lý, sử dụng. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào yêu cầu của tỉnh đáp ứng đề xuất, kiến nghị của nhà trường để tổ chức lại cho phù hợp, phát huy thế mạnh của nhà trường. Bộ sẽ làm công văn báo cáo Chính phủ để Thủ tướng ra quyết định trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đình Phách khẳng định: Sau khi tiếp nhận bàn giao Trường trung học BCVT&CNTT Miền núi về tỉnh Thái Nguyên quản lý, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng phương án quản lý, sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả; bố trí kinh phí hoạt động; đồng thời, sắp xếp công việc phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường…

 

Ảnh minh họa



Là một đơn vị anh hùng, với bề dày truyền thống gắn liền với lịch sử của ngành Thông tin Liên lạc - Bưu chính Viễn thông - Thông tin Truyền thông, tin tưởng rằng trong giai đoạn mới, thầy và trò của Trường Trung học Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin Miền núi sẽ tiếp tục vững bước phát triển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của toàn vùng và cả nước.

 


Thảo Hoàng - (TH)

Ý kiến bạn đọc