Xây dựng cáp quang biển quốc tế: Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Nhà nước

14:35, 15/12/2016
|

(VnMedia) - Hạ tầng cáp quang biển quốc tế không chỉ là hạ tầng của doanh nghiệp, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông mà còn ảnh hưởng không ít tới quyết định đầu tư, hợp tác của các đối tác nước ngoài với Việt Nam. Vì vậy, mới đây một doanh nghiệp viễn thông đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét hỗ trợ doanh nghiệp một phần trong đầu tư xây dựng các tuyến này.

70% Quỹ VTCI dành cho việc xây dựng hạ tầng viễn thông

Theo nội dung Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015, kinh phí dành cho việc hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông lên tới 70% tổng quỹ. Số tiền này sẽ được dành để thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng (vô tuyến, cố định) tới các xã, hướng tới một hạ tầng viễn thông hoàn chỉnh trên khắp cả nước.

Theo đại diện Quỹ VTCI, dự kiến trong hai năm 2015 - 2016, Quỹ sẽ thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, theo quy định số tiền dành cho việc phát triển hạ tầng sẽ lên tới hơn 2.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được dành cho việc hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông như di động, cố định, internet…

Tại cuộc họp mới đây của Bộ TT&TT với VNPT về việc triển khai cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2016 - 2020, VNPT đã đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu xem xét ngoài việc dành nguồn kinh phí này để xây dựng hạ tầng viễn thông đầu cuối người dùng (last mile) thì Bộ TT&TT xem xét hỗ trợ thêm cho việc xây dựng phần truyền dẫn back born. Cụ thể ở đây là hỗ trợ doanh nghiệp phần nào trong việc xây dựng hạ tầng cáp quang biển quốc tế. Việc này vừa để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng trong nước, vừa thúc đẩy đầu tư, nâng cao vị thế của ngành viễn thông Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Tô Mạnh Cường - Phó tổng Giám đốc VNPT thì một suất đầu tư cho tuyến cáp quang biển quốc tế hiện nay vào khoảng 50 triệu USD (tương đương với hơn 1.100 tỷ đồng) - một số vốn đầu tư rất lớn. Tất nhiên doanh nghiệp vẫn phải đầu tư làm bởi nếu ít tuyến quá, khi bị đứt sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ của người dùng (ví dụ có thể thấy rõ là việc tuyến cáp quang biển AAG - tuyến truyền dẫn lưu lượng quốc tế chính của tất cả các ISP trong nước thường xuyên gặp sự cố trong hai năm qua -PV). Tuy nhiên số lượng tuyến nếu để doanh nghiệp tự đầu tư như hiện nay sẽ bị hạn chế bởi nguồn vốn của doanh nghiệp có hạn.

Tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng truy nhập internet quốc tế.
Tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng truy nhập internet quốc tế.

Cũng theo VNPT, trong một số dự án đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, đối tác chỉ quan tâm tới hạ tầng viễn thông trong nước của doanh nghiệp mà chỉ hỏi là doanh nghiệp có bao nhiêu đường cáp quang đi quốc tế, băng thông tổng trên mỗi tuyến là bao nhiêu? Ví dụ như việc các ông lớn công nghệ thế giới muốn vào Đà Nẵng để xây dựng các trung tâm dữ liệu (IDC) và câu đầu tiên khi tiếp xúc với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông trong nước là doanh nghiệp có bao nhiêu đường cáp quang biển quốc tế?

VNPT hiện đang khai thác tổng cộng 3 tuyến cáp quang biển quốc tế (SMW3, AAG và APG) và 3 tuyến cáp quang đất liền. Dự kiến sang năm VNPT sẽ tiếp tục đưa tuyến AA1 vào hoạt động và dự kiến tới năm 2020 sẽ nâng tổng số tuyến cáp quang biển khai thác lên con số 6.

Sẽ sửa đổi một số nội dung để nhiều người được hưởng chính sách VTCI hơn

Cũng trong cuộc họp, VNPT cho biết sau một thời gian triển khai cho thấy một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên người dân chưa được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách của nhà nước. Chính vì vậy, VNPT đã đưa ra một số kiến nghị điều chỉnh sửa đổi chính sách VTCI trong giai đoạn tới. Ví dụ:

Mức hỗ trợ cước thuê bao điện thoại cố định, di động (hiện đang áp dụng mức 20.000 - 25.000 đ/tháng) như hiện nay chưa hấp dẫn các hộ nghèo, cận nghèo. Với mức hỗ trợ này, chưa đủ để người dân trả phí thuê bao trả sau dịch vụ di động (hiện đang áp dụng là 49.000 đ/tháng). Vì vậy, đề xuất Bộ xem xét nâng mức hỗ trợ lên mức tương ứng với mức đủ để thuê bao trả phí thuê bao trả sau để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng.

Sẽ điều chỉnh nội dung hỗ trợ để chính sách hỗ trợ VTCI đến với người dân.
Sẽ điều chỉnh nội dung hỗ trợ để chính sách hỗ trợ VTCI đến với người dân.

Theo quy định hiện hành, các đối tượng thụ hưởng dịch vụ internet như trường học, bệnh viện, UBND xã… phải sử dụng các gói cước có tốc độ tương ứng đi kèm mới được hưởng chính sách hỗ trợ.  Ví dụ với các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp huyện khi sử dụng gói internet tốc độ 12 Mbps sẽ được hỗ trợ 75.000 đ/tháng. Nếu sử dụng các gói internet khác sẽ không được hỗ trợ. Việc quy định cứng gói cước để được hưởng hỗ trợ không phù hợp với tình hình thực tế sử dụng. VNPT đề nghị Bộ xem xét sửa đổi quy định theo hướng chỉ đưa ra mức số tiền hỗ trợ để đơn vị thụ hưởng tự cân nhắc lựa chọn gói cước theo nhu cầu sử dụng thực tế.

Ngoài ra, VNPT cũng đề xuất Bộ TT&TT xem xét tăng mức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho nhân dân tại các đảo, phục vụ thông tin an ninh quốc phòng. Hiện nay hạ tầng phần lớn các doanh nghiệp đều phải đi thuê lại (của EVN) với mức cước rất cao trong khi hiệu quả khai thác đường truyền lại thấp vì nhu cầu dịch vụ không cao. Mức hỗ trợ 20% giá thuê đang áp dụng hiện nay là quá thấp.

Đặc biệt, VNPT còn kiến nghị Bộ TT&TT xem xét đưa bổ sung thêm dịch vụ di động vệ tinh vào danh mục dịch vụ được hỗ trợ. Trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ di động vệ tinh (VinaPhone S) tại các tỉnh thành trên toàn quốc, rất nhiều bà con ngư dân có nhu cầu về dịch vụ bởi đây là dịch vụ thương mại duy nhất hiện nay cho phép ngư dân liên lạc được khi cách bờ biển 30km trở lên. Tuy nhiên, do kết nối qua sóng vệ tinh để kết nối nên phải sử dụng thiết bị đầu cuối đặc thù (điện thoại vệ tinh). Giá thành loại điện thoại này hiện còn khá cao (khoảng 8-10 triệu đồng/chiếc), khá cao so với nhiều ngư dân - nhất là các đối tượng trong diện thụ hưởng dịch vụ VTCI. Vì vậy, Tập đoàn đề xuất mức hỗ trợ đề xuất là 50% giá mua máy điện thoại và 50% giá cước dịch vụ. Việc hỗ trợ dịch vụ sẽ không chỉ giúp bà con giữ liên lạc khi ra khơi mà còn góp phần cùng các chính sách khác của nhà nước, khuyến khích ngư dân tăng cường bám biểm, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bộ TT&TT cùng các đơn vị trực thuộc cho biết sẽ sớm xem xét cân nhắc các đề nghị này và sớm áp dụng để nhiều người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ hơn.

Hoàng Vũ
 


Ý kiến bạn đọc