Israel với 6.500 công ty công nghệ: Bài học nào cho startup Việt Nam?

07:09, 22/09/2016
|

(VnMedia) - Israel là một quốc gia có số dân chưa đạt tới 8,5 triệu người, nhưng có tới 6.500 công ty công nghệ, 24 vườn ươm công nghệ của Chính phủ, hơn 50 chương trình tăng tốc khởi nghiệp; đứng số 1 thế giới về thu hút đầu tư mạo hiểm...

Sáng 21/9/2016, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bài học thực tiễn từ Israel”.

Tại hội thảo, bà Esther Barack Landes, Giám đốc điều hành Nielsen Innovate, nơi được coi là vườn ươm công nghệ giai đoạn đầu, được Văn phòng Trưởng các nhà khoa học của Israel cấp phép hoạt động, đã chia sẻ bài học từ hệ sinh thái khởi nghiệp Israel.

Bà Esther Barack cho biết, Israel là một quốc gia có số dân chưa đạt tới 8,5 triệu người, nhưng có tới 6.500 công ty công nghệ và 1000 công ty mới ra đời mỗi năm. Đất nước này cũng có 24 vườn ươm công nghệ của Chính phủ (mỗi vườn ươm có 180 công ty) và hơn 50 chương trình tăng tốc khởi nghiệp; Israel đứng số 1 thế giới về thu hút đầu tư mạo hiểm (không tính Hoa Kỳ)… đứng số 1 về số người đoạt giải Nobel; số 1 về năng lực đổi mới; số 2 về tinh thần doanh nhân; số 3 về đổi mới toàn cầu. Ixrael cũng có nhiều nhà khoa học nhất hành tinh trên đầu người và đứng thứ 3 về số lượng công ty được niêm yết trên sàn NASDAO.

“Nhưng những thành tựu đổi mới này không xảy ra một cách ngẫu nhiên mà đó là một chiến lược quốc gia” - bà Esther Barack nói, đồng thời chia sẻ với hội thảo những kinh nghiệm quý báu của đất nước Israel trong việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

PTT Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bài học thực tiễn từ Israel”

Tham dự sự kiện và phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Ngoài ra, Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được Chính phủ tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

"Chủ trương của Đảng là rất rõ ràng, nhất quán. Điều cần làm là Việt Nam phải xây dựng thể chế, chính sách như thế nào, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội phải làm gì để chủ trương và chính sách đó đi vào cuộc sống?" Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo ông, để vấn đề khởi nghiệp đi đúng hướng, hiệu quả và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động, cần tạo lập Hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, vận hành có hiệu quả tại Việt Nam, đặc biệt là xác lập vai trò của những chủ thể chính là Nhà nước - Viện nghiên cứu/Trường Đại học - Doanh nghiệp startup trong Hệ sinh thái.

startup
Quang cảnh buổi hội thảo

“Tôi hy vọng những gì cộng đồng chúng ta đang nỗ lực thực hiện sẽ tạo sự lan tỏa cho hàng vạn doanh nghiệp, hàng triệu thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ và hy vọng, với sự ủng hộ lớn từ Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp bộ, ngành, sự năng động của cộng đồng startup và sự song hành của các tổ chức quốc tế sẽ góp phần sớm hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, vận hành có hiệu quả tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng hy vọng Hội thảo sẽ là kênh trao đổi cởi mở giữa kinh nghiệm Israel trong việc tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, có những khuyến nghị và đề xuất cụ thể ngay sau Hội thảo.

Cũng chia sẻ trong chương trình, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã nêu lên bức tranh thực trạng về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đại diện Bộ KH&CN thẳng thắn chia sẻ, theo phản ánh của cộng đồng khởi nghiệp thì đối tuợng này chưa thật sự đuợc ưu tiên và đây là vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của các startup. Cũng theo ông Quất, hiện nay đang có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết là các quỹ nước ngoài không thành lập quỹ mà chỉ có văn phòng đại diện tại nước ta và đây là vấn đề cần phải suy nghĩ.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, thời gian gần đây, nhiều không gian làm việc chung và không gian sáng tạo đã được thành lập tại Việt Nam. Nhờ đó đáp ứng được cả nhu cầu về cơ sở vật chất và kỹ thuật và nhu cầu đào tạo, kết nối của các startup.

Đánh giá về thách thức của khởi nghiệp Việt Nam, ông Quất cho rằng nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn nước ta mà thay vào đó là các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các startup trong nước có thể sẽ ra nước ngoài để lập nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về số lượng doanh nghiệp, với khoảng trên 200.000 doanh nghiệp, đóng góp 40% Thu ngân sách, tạo ra 67% việc làm, 38% sản phẩm trên địa bàn.

“Thành phố đang phấn đấu là đơn vị tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội có thêm 200.000 Doanh nghiệp thành lập mới.” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết tại Hội thảo và khẳng định, Thành phố đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp… để tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô, với định hướng xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc