Mark Zuckerberg: Facebook không phải công ty truyền thông

08:46, 31/08/2016
|

Trong chuyến đi đến Ý vừa qua, Mark Zuckerberg đã có một buổi diện kiến Đức Giáo Hoàng trong lịch trình của mình.

Giám đốc điều hành Facebook và người vợ, Priscilla Chan đã gặp Giáo hoàng Francis và có cuộc thảo luận về chủ đề "làm thế nào để sử dụng công nghệ thông tin liên lạc giúp xóa đói giảm nghèo, khuyến khích một nền văn hóa kết nối, để truyền đạt một thông điệp hy vọng, đặc biệt tới những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ". Thông tin trên được công bố từ văn phòng báo chí Vatican và phát trên trang CNN.

Zuckerberg đã thực hiện sứ mệnh của mình là đem Internet đến những người nơi xa xôi hẻo lãnh, những vùng khó khăn không có điều kiện truy cập Internet. Năm ngoái, Zuck đã công bố kế hoạch cung cấp khả năng truy cập Internet cho các trại tị nạn. Đây chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch kết nối toàn cầu lớn hơn anh ta đang triển khai cùng với ngôi sao nhạc rock Bono. Trong một buổi giao lưu thảo luận trực tuyến cho tờ New York Times, Zuckerberg và các thủ lĩnh nhóm nhạc U2 đã trình bày chi tiết kế hoạch để đạt được mục tiêu tất cả mọi người trên thế giới có thể kết nối Internet vào năm 2020, một bước đi mà nhóm cho là "cần thiết cho sự phát triển."

Trong cuộc gặp, tỷ phú trẻ đã tặng Đức Giáo Hoàng một mô hình của Aquilla, thiết bị drone nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời, được thiết kế để giúp những người dân ở những vùng khó khăn, nghèo đói nhất thế giới có thể truy cập internet.

Chiếc máy bay không người lái tí hon này đã thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nó chỉ cách đây 2 tháng.

"Priscilla và tôi đã có vinh dự được gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican. Chúng tôi nói với ngài về lòng ngưỡng mộ của chúng tôi với sứ mệnh thương xót và hiền dịu của ngài, cùng thảo luận tìm ra cách thức mới để giao tiếp với người dân của mọi tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc kết nối mọi người, đặc biệt là tại những nơi người dân không thể truy cập Internet".

"Đó là một cuộc gặp mặt mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Bất cứ ai cũng có thể cảm thấy sự ấm áp và tử tế của ngài, cũng như sự quan tâm sâu sắc mà ngài dành cho sứ mệnh quan tâm giúp đỡ mọi người. "

Nước Ý bị ảnh hưởng bởi một trận động đất hồi tuần trước đã khiến gần 300 người chết và hàng trăm người bị thương. Ngay sau đó, Zuckerberg đã tham gia một chuyến đi đến đất nước hình chiếc ủng. Không chắc chắn lịch trình của CEO Facebook có đến thăm các thành phố bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất hay không. Tuy nhiên, nền văn hóa La Mã là một đam mê một thời của ông chủ Facebook, Zuckerber chia sẻ trên trang cá nhân ""Tôi rất yêu thích nền văn hóa La Mã, tôi đã nghiên cứu về nền văn hóa Latinh và La Mã. Tôi đã từng say mê nó đến nỗi định theo đuổi học chuyên sâu về văn hóa khi thi đại học. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã không theo đuổi nó, tôi đã chọn ngành khoa học máy tính và tâm lý học".

Trong buổi hỏi đáp Q & A diễn ra thường kỳ, Zuckerberg đã trả lời câu hỏi về việc con người ngày càng tìm đến các mạng xã hội như Facebook và Twitter để đọc tin tức. Trong khi những mạng xã hội lại có "lợi thế trong việc thu thập thông tin từ các bộ phận khác nhau của thế giới". Trước câu hỏi liệu Facebook có trở thành một kênh cung cấp tin tức chính thống hay nói cách khác là một công ty truyền thông trong tương lai hay không?

CEO Facebook đã thẳng thắn trả lời: "Chúng tôi là một công ty công nghệ, không phải là một công ty truyền thông".

Zuckerberg cho rằng Facebook không phải là một công ty truyền thông vì nó không tạo ra nội dung nên không phải là làm báo chí. Mới đây, công ty vừa thay đổi thuật toán để sắp xếp các mục "hot", đồng thời hiển thị số người đang bàn tán về chủ đề trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Cụ thể, Facebook giờ không còn để con người can thiệp vào phần miêu tả cho tin tức trong mục Trending (Xu hướng). Trước đó, phần tin tức hiển thị ở góc trên bên phải giao diện Facebook này bị cáo buộc thường không phản ánh đúng sự thực và bị thao túng bởi những người phụ trách quản lý mục này một cách có chủ đích.

Về phía sản xuất, Facebook đã được một số công ty truyền thông nổi tiếng bao gồm The New York Times, BuzzFeed và Business Insider trả phí để tạo ra một hạn ngạch của video cho những trang này hiển thị trên mạng xã hội của nó. Ngoài ra, Facebook cũng tạo ra video cho người dùng cá nhân từ nội dung cũ của nó và khuyến khích họ chia sẻ.

Ngoài ra, Facebook còn làm phức tạp thêm mối quan hệ của nó với các công ty truyền thông bởi các bài viết lan truyền "siêu nhanh" cũng như thông tin "clickbait" lan tràn trên mạng lưới. Công ty hứa hẹn sẽ dập tắt tất cả các thể loại bài viết "giật tít câu view" để làm trong sạch tin tức trên mạng xã hội của họ.

Facebook không quan tâm đến tin tức - nó quan tâm đến việc người dùng sử dụng Facebook, và các hiệu ứng to lớn về kinh doanh tin tức đã tiềm ẩn nguy cơ mang đến những hậu quả khôn lường. Zuckerberg có thể không muốn Facebook được nhìn nhận như một công ty truyền thông, nhưng dường như công ty đang phải đấu tranh với điều tưởng chừng như đơn giản đó.

Hải An (Theo Fortune/Business Insider)


Ý kiến bạn đọc