Các "xác sống" trong lĩnh vực công nghệ

14:04, 13/10/2015
|

(VnMedia) - Walking Dead (xác sống) vốn là loạt phim truyền hình rất ăn khách tại Mỹ, nhưng nay nó lại được dùng để chỉ các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Dell, EMC, HP, IBM, Oracle và Cisco ngay tại xứ sở cờ hoa. Tại sao vậy?

Đầu tiên, Pure Storage, một công ty khởi nghiệp (startup) bán phần cứng lưu trữ dữ liệu số đã lần đầu tiên xuất hiện tại Wall Street hôm 12/10. Cũng trong ngày này, Wall Street Journal cho biết Dell sẽ mua lại EMC, một công ty về lưu trữ có quy mô lớn và lâu đời hơn nhiều so với Pure Storage. Và cũng trong một sự kiện tại Las Vegas, Amazon giới thiệu hàng loạt dịch vụ đám mây mới cho phép người dùng lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu mà không phải đầu tư phần cứng tốn kém.

Cám cảnh

Ở đây, bạn đã hình dung có sự liên quan nào chưa? Trong nhiều thập kỷ qua, nếu bạn muốn vận hành hoạt động kinh doanh lớn cần lưu trữ nhiều dữ liệu thì EMC chính là lựa chọn đầu tiên. Công ty bạn phải chi ra rất nhiều tiền để sắm về các máy móc nặng nề trong chứa đầy ổ cứng và phần mềm để lưu trữ dữ liệu trên các ổ cứng đó. Mỗi lần cần lưu trữ thêm dữ liệu, bạn sẽ phải chi tiền thêm cho EMC. Điều đó làm cho EMC ngày càng trở nên giàu có.

Thế rồi những công ty nhỏ như Pure Storage xuất hiện và bán các giải pháp lưu trữ trên nền flash, có tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với loại ổ cứng truyền thống, giúp bạn xử lý dữ liệu nhanh hơn và chi ít tiền hơn. Nhưng quan trọng hơn, các công ty điện toán đám mây như Amazon đã tham gia cuộc chơi. Họ cung cấp các giải pháp cho phép bạn lưu trữ dữ liệu trên hệ thống máy tính của họ. Các hệ thống này được kết nối Internet 24/24 và bạn có thể truy xuất vào dữ liệu của mình từ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Điều đó có nghĩa bạn sẽ không phải đầu tư tốn kém cho phần cứng của EMC hoặc bất cứ công ty nào khác.

Đó chính là bối cảnh mà EMC, từng một thời là "ông lớn" trong ngành công nghệ, buộc phải sáp nhập với Dell, một "gã khổng lồ" khác đang phát triển khá chật vật. Thực tế, Dell cũng gặp những vấn đề tương tự như EMC. Ngoài ra, còn có HP, IBM, Cisco và Oracle cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chuyên trang Bloomberg Business từng thốt lên rằng: "Tại sao IBM, HP, EMC, Dell và Cisco không sát nhập tất cả lại với nhau để vượt qua khó khăn này?".

Gió đã đổi chiều

Đám mây là cụm từ mang rất nhiều ý nghĩa trong những năm gần đây. Thực tế, hầu hết các ý nghĩa này lại do chính IBM, HP, EMC, Dell, Cisco và nhiều công ty khác khơi mào. Hãy nghĩ một cách đơn giản nhất: Đám mây chính là cách mà các công ty lớn về Internet như Amazon, Google và Facebook tạo nên hoạt động kinh doanh của họ.

Những công ty này xây dựng hoạt động kinh doanh trên nền Internet lớn đến nỗi họ cần tới hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn máy tính cực mạnh. Tuy nhiên, họ lại nhận thức được rằng không thể dùng phần cứng và phần mềm có sẵn. Họ không dùng giải pháp lưu trữ của EMC, không dùng máy chủ của Dell, HP hay IBM. Họ cũng không dùng cả hệ thống mạng của Cisco, và không thể dùng cơ sở dữ liệu của Oracle. Đơn giản là chúng quá đắt đỏ và không thể mở rộng được. Chẳng khác gì như giải câu đố khó nhằn.

Amazon, Google và Facebook đã tự xây dựng cho mình phần cứng và phần mềm mới có khả năng mở rộng tối đa. Họ tự tạo máy chủ riêng, lưu trữ riêng, mạng riêng, cơ sở dữ liệu riêng và phần mềm riêng cho toàn bộ phần cứng. Họ làm chủ phần cứng để tiết kiệm chi phí và trong một số trường hợp có thể chủ động thay thế, chẳng hạn chuyển từ ổ cứng truyền thống sang ổ flash. Họ tự xây dựng cơ sở dữ liệu để liên kết dữ liệu từ hệ thống con của hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính khác nhau. Các hệ thống con này đều có tốc độ rất cao.

Trò chơi chia sẻ

Thế nhưng Amazon, Google và Facebook lại không giữ những thứ trên cho riêng mình. Họ chia sẻ ra bên ngoài. Điều đó rất quan trọng bởi theo thời gian, Internet sẽ ngày càng mở rộng và xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như các hãng này.

Amazon hiện tại đang cung cấp cơ sở hạ tầng cho giới kinh doanh. Nói một cách mỹ miều thì đó là dịch vụ điện toán đám mây. Google cũng làm tương tự, và Facebook cũng tự tạo cho mình thiết kế phần mềm và phần cứng riêng để từ đó các doanh nghiệp khác có thể xây dựng hoạt động riêng theo cách thức tương tự. Đó gọi là nguồn mở.

Với sự trợ giúp của thiết kế nguồn mở này, các doanh nghiệp lớn có thể cung cấp cấp phần cứng và phần mềm hoạt động mạnh mẽ chẳng khác gì thứ mà Amazon, Google và Facebook đưa ra. Các doanh nghiệp đó có thể bao gồm Pure Storage, các hãng sản xuất máy chủ như Quanta, giải pháp mạng như Cumulus Networks và Big Switch, sản xuất phần mềm như MemSQL và MongoDB.

Đó cũng chính là lý do tại sao IBM, HP, EMC, Dell, và Cisco sẽ rất khó làm ăn. Mặc dù, các hãng này vẫn cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, phần cứng và phần mềm giống như Facebook, nhưng sự cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Nếu quá mạo hiểm đầu tư lớn cho các dịch vụ này, rất có thể hoạt động kinh doanh nói chung của IBM, HP, EMC, Dell, và Cisco sẽ bị ảnh hưởng. Cái này gọi là tiến thoái lưỡng nan và tất cả đều mắc kẹt trong đó. 

B.H (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc