Vui buồn chuyện đi lễ chùa đầu năm

06:29, 24/02/2015
|

(VnMedia) - Đầu năm đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, để có những buổi hành hương ý nghĩa và thực sự Đẹp thì còn quá nhiều điều cần phải thay đổi, bắt đầu từ ý thức của người đi lễ.

>> Hà Nội xây dựng đề án miễn thu phí lễ chùa
>> Chùa Hương bị phê bình là quá nhếch nhác (2014)
>> Bắt hơn chục "cò mồi" chùa Hương

Ảnh minh họa


Những hình ảnh phản cảm như thế này liệu có còn tiếp diễn?


Nhiều năm trước, cứ mỗi khi giao thừa xong, các đô thị lớn lại xảy ra chuyện cây cối bị bẻ cành, nhiều khi đến…tội nghiệp, vì người đi chơi giao thừa sau khi xem bắn pháo hoa thì thường ghé qua các ngôi chùa, đền, miếu gần đó để hái lộc. Và “đối tượng” chính là cây cối xung quanh chùa, bất kể là cây gì có thể bẻ cành được. Những năm gần đây, ban quản lý các đền chùa làm chặt chẽ hơn, bên cạnh đó có nhiều người bán mía cây để mọi người mua về làm lộc đầu xuân nên cảnh “vặt hoa, bẻ cành” đã gần như được khống chế.

Đầu xuân, các đình, chùa, miếu, đền luôn đông người đến vãn cảnh. Tuy nhiên, văn hóa đi lễ chùa còn có quá nhiều điều cần phải bàn. Điều nổi cộm nhất là nạn “rải tiền” khắp nơi, từ các gốc cây cổ thụ, các ban thờ đến việc cài vào tay phật, rải đầy dưới chân phật. Trong khi đó, đã là cửa Phật, thì mọi sân si của đời thường đều phải được gột rửa sạch sẽ. Cả vật chất và những ham muốn cá nhân cũng phải loại bỏ. Đến cửa phật là thành tâm và sau đó đặt tiền vào hòm công đức để cung tiến chút lễ mọn góp phần tu sửa và bảo quản chốn linh thiêng. Tuy nhiên, quá nhiều người hoặc không hiểu điều này, hoặc vẫn còn thói quen đặt tiền lẻ như một hình thức “lót tay” hoặc “công đức” không đúng cách, dẫn đến những hình ảnh vô cùng phản cảm, thiếu văn hóa ở những nơi linh thiêng.

Một chuyện đáng buồn khác ở các lễ hội là việc hàng hóa bán tràn lan, vừa mất vệ sinh vừa phản cảm. Ở lễ hội Gò Đống Đa sáng Mùng 5 Tết Ất Mùi, sau phần “Lễ” được thực hiện trang nghiêm và được bảo vệ nghiêm ngặt diễn ra rất tốt đẹp thì sau đó, khi phần “hội” bắt đầu, công tác bảo vệ có phần “lỏng” hơn, do đó nhiều người bán hàng rong như bán đồ trang sức rẻ tiền, nặn tò he hay bán các đồ chơi trẻ em nhân cơ hội bảo vệ không để ý đã trèo qua hàng rào vào bày bán tại khu vực Gò đất vừa bẩn thỉu vừa tạo nên hình ảnh nhếch nhác.

Ở một số lễ hội khác cũng vậy, đặc biệt là ở các tỉnh. Các lễ hội là dịp để người dân tranh thủ bán hàng hóa kiếm tiền cũng như trông giữ xe máy được dịp “chặt chém” du khách. Các lễ hội càng lớn thì lượng du khách đổ về càng đông khiến cho “cầu” không đủ “cung” dẫn đến việc các điểm trông giữ xe tăng giá, các quán bán hàng ăn uống cũng tha hồ chặt chém và không coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số địa điểm thu hút lượng du khách lớn như Chùa Hương, chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An hay Hội Lim, Yên Tử, Cửa Ông,… ở phía Bắc đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ cũng như nhân viên của các điểm lễ hội này không đủ sức để có thể quản lý, hướng dẫn hàng ngàn du khách mỗi ngày, thậm chí có những ngày cao điểm lượng khách lên đến hàng chục ngàn người, điều này không thể tránh được việc xả rác hoặc “chặt chém” diễn ra một cách công khai của cả du khách lẫn người phục vụ các dịch vụ ở lễ hội.

Bên cạnh việc các ban quản lý lễ hội tại các địa phương luôn “căng như dây đàn” mỗi khi vào mùa, thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức của khách thập phương đi trảy hội. Nếu tất cả du khách đều có thói quen xả rác vào thùng đúng nơi quy định, cẩn thận và “khó tính” hơn trong việc lựa chọn cửa hàng ăn uống bằng cách tự chuẩn bị đồ ăn nhẹ,… cũng sẽ hạn chế được việc “bung” ra quá nhiều cửa hàng ăn uống không hợp vệ sinh. Về việc hiểu sâu chuyện đi lễ chùa, nếu như ai cũng biết việc đi lễ chủ yếu là vãn cảnh, tìm sự thanh tịnh nơi tâm hồn, thành tâm khấn vái để cầu mong một năm may mắn, an lành thì sẽ tránh được việc rải tiền khắp nơi, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa rất phản cảm, trái ngược với bản chất của việc đi lễ chùa đầu năm.

Một số chùa lớn có ghi thông báo: Không thắp hương trong đền, chùa, không rải tiền khắp nơi mà bỏ vào thùng công đức… tuy nhiên vẫn có nhiều người không thực hiện. Đây được coi là thói quen cố hữu bắt nguồn từ khi kinh tế mở cửa, đời sống bắt đầu khấm khá lên, nhiều người “phú quý sinh lễ nghĩa” đã dùng tiền lẻ để “rải” khắp nơi với mong muốn được thánh thần chứng giám để phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt, may mắn. Nếu chúng ta dần bỏ được thói quen này, thì việc đi lễ chùa mới có ý nghĩa và thực sự là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt.


Ngô Bá Lục

Ý kiến bạn đọc