Một thập niên điện ảnh Việt qua Cánh diều

12:16, 20/03/2013
|

(VnMedia) - 10 năm giải Cánh diều cũng là thập niên đánh dấu giai đoạn phát triển "lịch sử" của điện ảnh Việt Nam, khi nền điện ảnh thoát ra khỏi thế "độc quyền nhà nước", chứng kiến vai trò vô cùng to lớn của các đơn vị tư nhân, để ngày càng tạo ra cơ hội công bằng, rộng mở hơn cho những người làm phim.

>> Sốc những giải "giời ơi" của Cánh diều Vàng

Nhìn lại 10 năm Cánh diều cũng là phác thảo diện mạo của điện ảnh Việt trong một thời kỳ đáng ghi nhận trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Năm 2003: 6 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Lưới trời (Phi Tiến Sơn)
Cánh diều Bạc: Gái nhảy (Lê Hoàng), Vua bãi rác (Đỗ Minh Tuấn), Của rơi (Vương Đức)
Bằng khen: Hà Nội 12 ngày đêm (Bùi Đình Hạc), Mê Thảo - thời vang bóng (Việt Linh)

Lần đầu tiên, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam mang tên Cánh diều, trao giải cho các tác phẩm làm ra trong 1 năm trước đó. Giải thưởng sẽ hợp lý hơn nếu đổi chỗ của Mê Thảo - thời vang bóng Của rơi.

Năm này, chưa có Luật Điện ảnh quy định về phim tư nhân, mặc dù đã có các hãng phim ngoài quốc doanh hoạt động. Thế nên, Cánh diều có 6 phim đều của các Hãng phim nhà nước như Hãng phim Giải Phóng, Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng phim Truyện 1. Năm này chỉ trao giải cho phim và tất cả đều dành giải.

Năm 2004: 8 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Người đàn bà mộng du (Nguyễn Thanh Vân)
Cánh diều đặc biệt: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (Nguyễn Khắc Lợi)
Cánh diều Bạc: Trò đùa của Thiên Lôi (Nguyễn Quang)
Bằng khen: U14 - Đội bóng trong mơ (Lâm Lê Dũng)
Diễn viên Nữ chính: Hồng Ánh ( Người đàn bà mộng du)
Diễn viên triển vọng: Tina Tình ( Trò đùa của Thiên Lôi)

Năm này vẫn chỉ là sân chơi của các hãng phim nhà nước, dù mở rộng hơn. Bên cạnh 3 anh lớn còn có các hãng phim Điện ảnh Quân đội, Hãng phim Hội Nhà văn, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Năm này mở ra hạng mục giải Cá nhân đầu tiên, ở hạng mục diễn xuất. Ngoài ra, tự dưng có một hạng mục giải thưởng trên trời rơi xuống là Cánh diều đặc biệt (trao cho 1 bộ phim hợp tác với Trung Quốc).

Ngoài các bộ phim đoạt giải, còn 4 phim khác là: Người học trò đất Gia định xưa (Huy Thành), Đêm Bến Tre, Khi người ta yêu (Trần Phương), Biển đợi (Trần Ngọc Phong).

Năm 2005: 9 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Bạc: Thời xa vắng (Hồ Quang Minh)
Phim hợp tác nước ngoài: Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)
Bằng khen: Chiến dịch trái tim bên phải (Đào Duy Phúc), Nữ tướng cướp (Lê Hoàng), Ký ức Điện Biên (Đỗ Minh Tuấn)
Đạo diễn: Đỗ Minh Tuấn ( Ký ức Điện Biên)
Biên kịch: Lê Hoàng ( Nữ tướng cướp)
Quay phim: Trần Hùng ( Thời xa vắng)
Thiết kế: Phạm Quang Vĩnh ( Hàng xómTiếng cồng định mệnh)
Âm nhạc: Trọng Đài ( Ký ức Điện Biên)
Âm thanh: Bành Bắc Hải ( Hàng xóm)
Diễn viên Nữ chính: Mỹ Duyên ( Nữ tướng cướp)
Diễn viên Nam chính: Hoàng Dũng ( Tiếng cồng định mệnh)

Cánh diều bắt đầu có sự tham gia của khu vực điện ảnh tư nhân với sự hiện diện của hãng phim Thiên Ngân và Phước Sang. Cũng năm này, hệ thống giải được hoàn thiện với đầy đủ các hạng mục. Cũng ngẫu hứng như năm trước, xuất hiện một giải thưởng trên trời rơi xuống là Phim hợp tác nước ngoài, dành cho bộ phim Mùa len trâu vốn có sự tham gia sản xuất của Pháp - Bỉ. Nếu không tách ra, có lẽ Mùa len trâu sẽ ôm gần trọn các giải thưởng, chí ít là cho Phim, Đạo diễn, Biên kịch.

Những phim còn lại: Khi đàn ông có bầu (Phạm Hoàng Nam ), Tình biển (Không rõ tác giả)

Năm 2006: 12 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải)
Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên ( Sống trong sợ hãi)
Biên kịch: Bùi Thạc Chuyên – Minh Ngọc ( Sống trong sợ hãi)
Quay phim: Trần Hùng ( Chuyện của Pao)
Thiết kế: Nguyễn Ngọc Tân ( Giải phóng Sài Gòn)
Âm nhạc: Trọng Đài ( Đi trong giấc ngủ)
Âm thanh: Nguyễn Huy Căn ( Giải phóng Sài Gòn)
Diễn viên Nữ chính: Đỗ Hải Yến ( Chuyện của Pao)
Diễn viên Nam chính: Trần Hữu Phúc ( Sống trong sợ hãi)
Diễn viên Nữ phụ: Như Quỳnh ( Chuyện của Pao)
Diễn viên Nam phụ: Mai Văn Thịnh ( Sống trong sợ hãi)
Giải Báo chí: Sống trong sợ hãi

Năm này có 12 phim tham dự và đến nay đây vẫn là kỷ lục về phim dự giải của Cánh diều. Cũng năm này, ghi nhận một “làn sóng mới” với một loạt đạo diễn trẻ làm phim đầu tay như Ngô Quang Hải, Bùi Thạc Chuyên, Bùi Tuấn Dũng, Đào Duy Phúc, Lê Bảo Trung.

Dù có tới 12 phim tham dự nhưng năm này các giải thưởng hầu như chỉ tập trung vào 2 bộ phim của Hãng phim truyện 1 là Chuyện của Pao Sống trong sợ hãi.

Những phim còn lại: Giải phóng Sài Gòn (Long Vân), Đường thư (Bùi Tuấn Dũng), Cầu ông tượng (Phi Tiến Sơn), Năm ngày trong đời vị tướng (Bùi Cường), Có 1 chuyến đi (Vũ Châu), Đi trong giấc ngủ (Phạm Lộc), Gió thiên đường (Lâm Lê Dũng), Hải quỳ (Nguyễn Thế Vĩnh), 2 trong 1 (Đào Duy Phúc), Đẻ mướn (Lê Bảo Trung)

Năm 2007: 9 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Áo lụa Hà Đông (Lưu Huỳnh) và Hà Nội, Hà Nội (Bùi Tuấn Dũng - Lý Vỹ của Trung Quốc)
Đạo diễn: Lưu Huỳnh (Áo lụa Hà Đông)
Biên kịch: Nguyễn Mạnh Tuấn (Sinh mệnh)
Quay phim: Trinh Hoan và Nguyễn Tranh (Áo lụa Hà Đông)
Thiết kế: Phạm Quang Vĩnh (Hà Nội, Hà Nội)
Âm nhạc: Nguyễn Tôn Thân (Hà Nội, Hà Nội)
Diễn viên Nữ chính: Can Đình Đình (Hà Nội, Hà Nội)
Diễn viên Nam chính: Quốc Khánh (Áo lụa Hà Đông)
Diễn viên Nữ phụ: Thanh Thuỷ (Sinh mệnh)
Diễn viên Nam phụ: Hoàng Hải (Hà Nội, Hà Nội)
Giải Báo chí: Sinh mệnh (Đào Duy Phúc)
Giải khán giả mua vé nhiều nhất: Lọ lem hè phố (Lê Hoàng)

Năm này, đánh dấu một giải thưởng bất quy tắc khi bộ phim hợp tác Trung Quốc là Hà Nội, Hà Nội (tức là vị trí của nó với Cánh diều không khác vị trí của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng KôngMùa len trâu trước đó). Tuy nhiên, nó không bị tách ra ở Giải Cánh diều đặc biệt hay Giải Phim hợp tác nước ngoài, mà đứng tranh giải cùng các phim khác. Thậm chí, thành phần phim là diễn viên Trung Quốc Can Đình Đình nghiễm nhiên nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, chưa kể nhạc sỹ Nguyễn Tôn Thân ở nước bạn cũng được vinh danh ở giải Âm nhạc.

Một giải thưởng ngẫu hứng khác của Cánh diều lần này là Giải Khán giả mua vé nhiều nhất cho phim Lọ lem hè phố, lại dựa trên con số doanh thu của phim này từ 1-2 năm trước.

Những phim còn lại: Võ lâm truyền kỳ (Lê Bảo Trung), Khi nắng thu về (Bùi Trung Hải), Chuông reo là bắn (Trương Dũng), Cú đấm (Không rõ tác giả).

Năm 2008: 11 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Không có
Cánh diều Bạc: Trái tim bé bỏng (Nguyễn Thanh Vân), Nụ hôn thần chết (Nguyễn Quang Dũng)
Bằng khen: Rừng đen (Vương Đức), Em muốn làm người nổi tiếng (Nguyễn Đức Việt)
Đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân ( Trái tim bé bỏng)
Biên kịch: Nguyễn Quang Dũng ( Nụ hôn thần chết)
Quay phim: Park Jae Hong ( Mười)
Họa sĩ: Mã Phi Hải ( Nụ hôn thần chết)
Âm nhạc: Nguyễn Quốc Trung ( Trái tim bé bỏng)
Âm thanh: Kim Do Hyun ( Mười)
Diễn viên Nam chính: Không có
Diễn viên Nữ chính: Đỗ Nguyễn Lan Hà ( Trái tim bé bỏng)
Nữ diễn Nữ phụ: Phương Thanh ( Nụ hôn thần chết)
Diễn viên Nam phụ: Trần Văn Duống ( Rừng đen)
Giải Báo chí: Trái tim bé bỏng
Khán giả bình chọn: Trái tim bé bỏng

Năm này cũng đánh dấu một sự mở rộng tiêu chí giải thưởng ngoài quy tắc, khi bộ phim Mười (hợp tác Hàn Quốc) không chỉ được dự thi, mà còn dành 2 giải Quay phim và Âm thanh cho các nghệ sỹ nước bạn.

Các phim còn lại: Vũ điệu tử thần (Bùi Tuấn Dũng), Hoài vũ trắng (Đào Duy Phúc), Chớp mắt cùng số phận (Lê Ngọc Linh), Chuyện tình Sài Gòn (Ringo Lê), Duyên trần thoát tục (Lê Cung Bắc), Giá mua một Thượng đế (Hồ Ngọc Xum).

Năm 2009: 6 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Không có
Cánh diều Bạc: Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Huyền thoại bất tử (Lưu Huỳnh)
Bằng khen: Chuyện tình xa xứ (Victor Vũ)
Đạo diễn: Lưu Huỳnh ( Huyền thoại bất tử)
Biên kịch: Châu Thổ ( Trăng nơi đáy giếng)
Quay phim: Nguyễn K’Linh ( Huyền thoại bất tử)
Họa sĩ: Mã Phi Hải ( Trăng nơi đáy giếng)
Nhạc sĩ: Đức Trí ( Huyền thoại bất tử)
Diễn viên Nam chính: Dustin Trí Nguyễn ( Huyền thoại bất tử)
Diễn viên Nữ chính: Hồng Ánh ( Trăng nơi đáy giếng)
Diễn viên Nam phụ: Trần Bảo Sơn ( Huyền thoại bất tử)
Diễn viên Nữ phụ: Kathy Uyên ( Chuyện tình xa xứ)
Phim hợp tác nước ngoài: Cú và chim se sẻ (Stephan Gauger)
Giải do báo chí bình chọn: Cú và chim se sẻ
Giải khán giả bình chọn: Chuyện tình xa xứ
Diễn viên triển vọng: Phạm Gia Hân ( Cú và chim se sẻ)

Sau 2 năm “phá lệ” cho Hà Nội, Hà Nội (hợp tác Trung Quốc) và Mười (hợp tác Hàn Quốc), năm này, Cánh diều lại quay về giải Phim hợp tác nước ngoài cho Cú và chim se sẻ (Stephan Gauger) - một bộ phim thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, diễn viên và thành phần làm phim Việt Nam, duy chỉ đạo diễn Việt kiều. Trong khi đó Chuyện tình xa xứ của một đạo diễn Việt kiều khác, thậm chí có một nửa bối cảnh ở Mỹ, với diễn viên quần chúng Mỹ lại được tranh giải như bình thường.

Có lẽ vì ưa thích diễn xuất của diễn viên nhí trong phim Cú và chim se sẻ, nhưng cô bé chưa thể vượt Hồng Ánh, nên giải sáng tạo thêm một hạng mục mới là Diễn viên triển vọng.

Năm này cũng chỉ có 6 phim tham dự, trong đó cuộc đua chính là giữa Trăng nơi đáy giếngHuyền thoại bất tử. Hai phim Giải cứu Thần chết (Nguyễn Quang Dũng) và Đẹp từng centimet (Vũ Ngọc Đãng) không dành bất cứ giải nào.

Năm 2010: 8 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Đừng đốt (Đặng Nhật Minh)
Cánh diều Bạc: 14 ngày phép (Vũ Trọng Khoa)
Đạo diễn: Đặng Nhật Minh ( Đừng đốt)
Biên kịch: Nguyễn Trọng Khoa ( 14 ngày phép)
Quay phim: Lý Thái Dũng ( Chơi vơi)
Họa sĩ: Phạm Quốc Trung ( Đừng đốt)
Âm thanh: Bành Bắc Hải ( Đừng đốt)
Âm nhạc: Trọng Đài ( Được sống)
Diễn viên Nam chính: Trịnh Hội ( 14 ngày phép)
Diễn viên Nữ chính: Minh Hương ( Đừng đốt)
Diễn viên Nam phụ: Thái Hòa ( 14 ngày phép)
Diễn viên Nữ phụ: Linh Dung ( Chơi vơi)
Diễn viên triển vọng: Bảo Thy ( Công chúa teen và ngũ hổ tướng)
Phim được khán giả bình chọn: Đừng đốt (Đặng Nhật Minh)
Không có giải Báo chí

Năm này, giải thưởng gây dư luận ầm ĩ khi bộ phim đầu tay 14 ngày phép (Vũ Trọng Khoa) bị báo chí chê tơi tả trước đó nhưng tại giải thưởng này nhận Cánh diều Bạc và 3 giải Cá nhân khác.

Việc một phim có nhiều tìm tòi và có bước phát triển về phong cách là Chơi vơi không được ghi nhận dù chỉ là Bằng khen là thiếu sót lớn ở mùa giải này. Ngoài ra, phần Âm nhạc trong phim quá xuất sắc (cả ở bản thân âm nhạc đó và sự phù hợp của nó với không khí phim) không nhận giải ở hạng mục này cũng là một đáng tiếc lớn.

Các phim còn lại: Những nụ hôn rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng), Được sống (Trần Trung Dũng), Bẫy rồng (Lê Thanh Sơn), Không cân sức (Trần Ngọc Phong).

Năm 2011: 11 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Long thành cầm giả ca (Đào Bá Sơn)
Cánh diều Bạc: Khát vọng Thăng Long (Lưu Trọng Ninh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình), Vũ điệu đam mê (Nguyễn Đức Việt)
Bằng khen: Cô dâu đại chiến (Victor Vũ), Tây Sơn hào kiệt (Lý Huỳnh), Vượt qua bến Thượng Hải (Triệu Tuấn)
Đạo diễn: Lưu Trọng Ninh ( Khát vọng Thăng Long)
Biên kịch: Văn Lê ( Long thành cầm giả ca)
Quay phim: Hoàng Dũng (Vũ điệu đam mê)
Họa sĩ: Nguyễn Trung Ngoan và Nguyễn Mạnh Đức (Long thành cầm giả ca)
Âm nhạc: Nguyễn Quốc Trung (Cánh đồng bất tận)
Âm thanh: Nguyễn Trung Hiếu (Cô dâu đại chiến)
Diễn viên Nam chính: Nguyễn Đình Toàn (Khát vọng Thăng Long)
Diễn viên Nữ chính: Ninh Dương Lan Ngọc (Cánh đồng bất tận)
Diễn viên Nam phụ: Võ Thanh Hòa (Cánh đồng bất tận)
Diễn viên Nữ phụ: Cao Thùy Dương (Vũ điệu đam mê)
Giải Báo chí: Cánh đồng bất tận

Năm này đánh dấu sự kiện phim đầu tiên bị loại khỏi Cánh diều, vì scandal đạo phim của Giao lộ định mệnh (Victor Vũ).

Các phim còn lại: Vượt qua bến Thượng Hải (Triệu Tuấn), Nhìn ra biển cả (Vũ Châu), Hoa đào (Nguyễn Thế Vinh), Bóng ma học đường (Lê Bảo Trung).

Năm 2012: 12 phim

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Mùi cỏ cháy (Nguyễn Hữu Mười)
Cánh diều Bạc: Long ruồi (Charlie Nguyễn), Sài Gòn Yo! (Stephan Gauger)
Bằng khen: Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng), Lệ phí tình yêu (Nguyễn Minh Chung)
Đạo diễn: Charlie Nguyễn ( Long ruồi)
Biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm ( Mùi cỏ cháy)
Quay phim: Phạm Thanh Hà ( Mùi cỏ cháy)
Họa sỹ: Mã Phi Hải ( Lời nguyền huyết ngải)
Âm nhạc: Đỗ Hồng Quân ( Mùi cỏ cháy)
Âm thanh: Không có
Diễn viên Nam chính: Thái Hòa ( Long ruồi)
Diễn viên Nữ chính: Quỳnh Hoa ( Sài Gòn Yo!)
Diễn viên Nam phụ: Hiếu Hiền ( Hotboy nổi loạn)
Diễn viên Nữ phụ: Tina Tình ( Long ruồi)
Giải Báo chí: Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng)
Giải của Bộ Quốc phòng: Mùi cỏ cháy (Nguyễn Hữu Mười)

Năm này gây tranh cãi khi Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng) thua lớn trước phim có đề tài nhảm là Long ruồi (Charlie Nguyễn). Kể ra, mùa giải này sẽ chính xác hơn nếu hoán đổi vị trí của Long ruồiHotboy nổi loạn ở 2 hạng mục: Cánh diều Bạc/Bằng khen và Đạo diễn. Ngoài ra, sẽ hoàn hảo hơn nếu giải Nam chính là Lê Chí Kiên (dù anh chỉ là vai thứ chính trong Mùi cỏ cháy) thay cho Thái Hòa, và còn một chút lấn cấn ở giải Quay phim và Nữ phụ.

 

Bên cạnh đó cũng có một hiện tượng thú vị ở trường hợp phim Tâm hồn mẹ (Nhuệ Giang). Sau khi đi LHP Dubai và dành giải Nữ chính xuất sắc nhất cho Phùng Hoa Hoài Linh, bộ phim và cô bé này được báo giới đồng loạt đánh giá cao ngất tại LHP 17 và thất bại của Hoài Linh tại LHP 17 được xem là một sai lầm của BGK. Tuy nhiên, đến Cánh diều 2012, chính ngay nhiều nhà báo từng khen nức nở Hoài Linh và Tâm hồn mẹ lại viết chê cả 2 bằng một tâm thế tự tin và am hiểu không kém.

 

Ngoài ra, có một giải bên lề do Bộ Quốc Phòng tự chọn, tự trao là Phim Chiến tranh hay nhất. Và Mùi cỏ cháy đoạt giải vì chỉ có một mình nó là phim chiến tranh.

 

Các phim còn lại: Đó hay đây (Síu Phạm), Tâm hồn mẹ (Nhuệ Giang), Vũ điệu đường cong (Vũ Trọng Khoa), Ngôi nhà trong hẻm (Lê Văn Kiệt), Lệnh xoá sổ (Đặng Cao Cường), Hello cô Ba (Nguyễn Minh Quang).

 

Năm 2013:

 

Ảnh minh họa

 
Cánh diều Vàng: Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ)

Cánh diều Bạc: Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang)

Bằng khen: Scandal (Victor Vũ), Lấy chồng người ta (Lưu Huỳnh), Cát nóng (Lê Hoàng) và Nhà có năm nàng tiên (Trần Ngọc Giầu)

Đạo diễn: Victor Vũ (Thiên mệnh anh hùng Scandal)

Biên kịch: Không có

Quay phim: Nguyễn K’Linh (Thiên mệnh anh hùng Scandal)

Họa sỹ: Phạm Quang Vĩnh (Mùa hè lạnh)

Âm thanh: Trần Đức Quang - Trần Anh Khoa (Thiên mệnh anh hùng)

Âm nhạc: Lương Minh (Lạc lối)

Diễn viên Nam chính: Huỳnh Đông (Thiên mệnh anh hùng)

Diễn viên Nữ chính: Đinh Y Nhung (Lấy chồng người ta)

Diễn viên Nam phụ: Hứa Vỹ Văn (Đam mê)

Diễn viên Nữ phụ: Maya (Scandal)

Giải Báo chí: Scandal

 

Mùa giải năm này gây xôn xao với việc chỉ có 11 phim dự thi (trong đó có một phim đến muộn) trong khi còn tương đối các tác phẩm chất lượng đứng ngoài cuộc. Một sự vụ cũng gây tranh luận và được báo chí phản ánh tích cực xoay quanh việc 2 bộ phim Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang) và Cát nóng (Lê Hoàng) chưa phát hành, rồi chỉ có bản DVD và không được chiếu rộng rãi cho khán giả, trong khi hiện tượng này khá phổ biến trong các mùa giải.

 

Dấu ấn lớn nhất của mùa giải này là sự đại bại của Mùa hè lạnh, một tác phẩm vừa có sự tìm tòi, vừa có bước phát triển mang tính cách mạng về kịch bản và phong cách.

 

Ngoài ra, giải Biên kịch để trống cần trao cho Ngô Quang Hải với sự xuất sắc của tác giả này. Những giải thưởng khác, dù vẫn chưa hẳn hoàn hảo nhưng cũng có thể chấp nhận được.

Những người đoạt nhiều Cánh diều Vàng nhất

Kỷ lục về số lượng phim dự thi đông đảo nhất là 12 phim, vào năm 2006 và năm 2012. Kỷ lục về người nắm giữ nhiều Cánh diều Vàng nhất đến nay là 3 lần, thuộc về đạo diễn Lưu Huỳnh, họa sỹ Phạm Quang Vĩnh, họa sỹ Mã Phi Hải và nhạc sỹ Trọng Đài với 3 lần nâng diều Vàng.

Đạo diễn Lưu Huỳnh nhận Diều Vàng cho Phim năm 2007 và 2 lần nhận giải Đạo diễn năm 2007 – 2009. Họa sỹ Phạm Quang Vĩnh 3 lần chiến thắng ở hạng mục Thiết kế mỹ thuật các năm 2005 – 2007 và 2013. Họa sỹ Mã Phi Hải 3 lần chiến thắng giải Thiết kế mỹ thuật các năm 2008 – 2009 và 2012. Nhạc sỹ Trọng Đài cũng 3 lần được vinh danh ở hạng mục Âm nhạc trong phim vào các năm 2005 – 2006 và 2010.

Những người 2 lần dành Cánh diều là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (giải cho Phim năm 2004 và giải Đạo diễn năm 2008), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (giải cho Đạo diễn và đồng Biên kịch năm 2006), đạo diễn Đặng Nhật Minh (giải cho Phim và Đạo diễn năm 2010), Victor Vũ (giải cho Phim và Đạo diễn năm 2013), quay phim Trần Hùng (giải Quay phim 2005 – 2006), quay phim Nguyễn K’Linh (giải Quay phim 2009 – 2013), diễn viên Hồng Ánh (Nữ chính 2004 – 2009), diễn viên Thái Hòa (Nam phụ 2010 và Nam chính 2012).


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc