Lỗ hổng trong văn hóa thần tượng

15:32, 05/03/2013
|

Việc một nữ ca sĩ trẻ đầu cạo trọc, mắt đẫm lệ khóc lóc bày tỏ sự ân hận trước ống kính sẽ càng gây sốc hơn, khi người xem biết nguyên nhân chỉ vì cô này có… bạn trai.

Chỉ vì bị phóng viên chụp được cảnh rời khỏi căn hộ của bạn trai sau khi ngủ qua đêm tại đây, Minami Minegishi đã ngay lập tức bị “giáng chức” xuống nhóm học việc của ban nhạc nữ AKB48. Chưa hết, sau đó cô đã tải một đoạn video lên Youtube, trong đó quay cảnh mình cạo trọc đầu để “bày tỏ sự ân hận cho hành vi thiếu chín chắn của bản thân”, mắt đẫm lệ “cầu xin người hâm mộ tha thứ”.

Trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, việc cạo đầu là hành vi thể hiện sự khởi đầu mới, hay trong trường hợp của Minami Minegishi, để bày tỏ sự ăn năn theo cách quyết liệt nhất. Người phương Tây không khỏi liên tưởng hành vi này với những nhục hình mà quân kháng chiến Pháp dành cho phụ nữ bị cáo buộc ngủ với lính Đức trong Thế chiến II.

Song “tội ác” của nữ ca sĩ 20 tuổi trong trường hợp này chỉ là… có bạn trai.

Ngay từ ngày đầu tiên, trong hợp đồng của mỗi thành viên nhóm AKB48 đã quy định rõ họ không được phép có bất cứ quan hệ luyến ái nào nhằm giữ gìn hình tượng “trong sáng” của cả nhóm. Ai vi phạm sẽ bị trừng phạt. Cụ thể là trường hợp thành viên Yuka Masuda bị buộc rời khỏi nhóm vì lý do tương tự năm 2012. Còn thành viên Rina Sashihara thì bị “đày” xuống nhóm nhạc cùng công ty nhưng kém tên tuổi hơn là HKT48, sau khi cũng phải quay cảnh xin lỗi người hâm mộ với đầm đìa nước mắt không kém phần bi đát.

Vấn đề nằm ở chỗ: để giữ gìn cái gọi là hình tượng trong sáng thánh thiện trong mắt người hâm mộ, mà ông chủ các công ty giải trí đã ép buộc ca sĩ phải làm theo một điều, theo luật sư Hifumi Okunuki phân tích trên tờ Thời báo Nhật Bản, là “vi phạm luật lao động”.

Thật vậy, trong văn hóa thần tượng (idol culture) của làng giải trí Nhật Bản, hình ảnh “thánh thiện ngây thơ trong trắng” đóng vai trò quyết liệt để hấp dẫn người hâm mộ. Các nhóm nhạc không chỉ sống nhờ bán đĩa hát, mà họ còn kinh doanh cả tinh thần mộng mơ. Và để duy trì càng lâu càng tốt bầu không khí này, mà hình phạt dành cho việc “phạm luật” của từng cá nhân là rất khắc nghiệt, cụ thể như trường hợp của Minami Minegashi.

Nói tóm lại, các thành viên trong nhóm AKB48 không được phép sống thật như những cô gái bình thường. Họ không được phép bước ra bên ngoài những gì mà người hâm mộ đã mặc định cho hình ảnh của họ. Theo cách hiểu này, rõ ràng người hâm mộ đã đóng vai đồng lõa trong sự tủi hổ mà Minegashi đã phải gánh chịu, không khác gì sự áp đặt mà ông chủ Yasushi Akimoto dành cho toàn nhóm AKB48.

Một số ít người hâm mộ tỉnh táo hơn, đa phần sống ở nước ngoài, thì lên tiếng phản đối: “Không! Ông Akimoto đã đi quá giới hạn rồi. Đồng ý là Minegashi đã sai, song không việc gì phải làm quá mọi chuyện lên như thế”. Tuy nhiên, những ý kiến này là không công bằng. Thay vì trách cứ nhà quản lý của nhóm nhạc, đúng ra họ nên dành lời buộc tội cho toàn bộ hệ thống giải trí Nhật Bản – vốn tự cho phép nó có quyền phát ngôn và phán xét cuộc sống cá nhân của những kẻ tham gia.

Trong văn hóa thần tượng, cũng như văn hóa truyện tranh (manga) và hoạt hình (anime) Nhật Bản không tồn tại khái niệm “phụ nữ trẻ độc lập, tự do và mạnh mẽ”. Thứ văn hóa này theo đuổi và tôn sùng sự yếu đuối (cả về tính chất lẫn ngoại hình), chủ yếu ở phái nữ. Nó luôn đòi hỏi sự phục tùng ngoan ngoãn, thái độ và cử chỉ bạc nhược đẫm lệ, càng thiếu tự tin càng tốt, và đặc biệt là triệt tiêu hoàn toàn năng lực tự chủ tính dục ở phụ nữ.

Nhóm AKB48 thậm chí còn đi xa hơn, khi cho phép người hâm mộ nam ngồi cùng trong các buổi gặp mặt thường niên để… giơ tay bình chọn thứ bậc các thành viên trong nhóm.

Thứ não trạng này không chỉ tồn tại trong ngành giải trí, mà còn ảnh hưởng thực tế một cách trực tiếp đến xã hội Nhật Bản khi nước này xếp thứ 101 trong bảng xếp hạng bình đẳng giới năm 2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới, kém 79 bậc so với Hoa Kỳ (thứ 22), 35 bậc so với Việt Nam (thứ 66) và kém 2 bậc so với Azerbaijan (thứ 99).

Hàn Quốc, quốc gia láng giềng có chung nhiều nét tương đồng với Nhật Bản trong văn hóa thần tượng thậm chí chỉ xếp thứ… 108 trong bảng xếp hạng nói trên.
Thật vậy, bạn khó có thể tìm thấy nơi nào trong nhóm các quốc gia phát triển cảnh một cô gái phải xin lỗi trên truyền hình chỉ vì “can tội” có… bạn trai ngoài Nhật Bản.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc