Bao giờ Việt Nam có ngành công nghiệp thời trang?

17:44, 06/03/2013
|

Nhà thiết kế Minh Hạnh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến thời trang Việt. Mặc dù đã gần 20 năm gắn bó với thời trang nhưng theo nhà thiết kế thì cho đến nay, Việt Nam chưa có một nền công nghiệp thời trang...

Phải chiếm lĩnh được thị trường nội địa

- Một trong những sân chơi và còn là định hướng cho thời trang Việt là Tuần lễ thời trang. Nhưng qua các mùa Tuần lễ thời trang, vẫn thấy không có nhiều gương mặt mới, tại sao vậy, thưa chị?

Thực ra trên thế giới, trong vài chục năm, thậm chí là cả trăm năm nhưng ngành thời trang vẫn chỉ có những tên tuổi được nhắc tới. Đó là quy luật trong lĩnh vực thiết kế thời trang, vô cùng khắc nghiệt với các nhà thiết kế trẻ. Cho nên quan điểm của tôi trong công việc là làm sao để tất cả mọi thế hệ đều kế thừa lẫn nhau. Đó là điều hết sức quan trọng để mọi người cùng phát triển. Trách nhiệm của những người đi trước như chúng tôi phải làm một cầu nối và dẫn dắt các bạn trẻ tiếp theo để làm sao chiếm lĩnh được thị trường. Họ phải sống được với nghề và có tất cả nội lực để đi tiếp con đường dài, để lại tiếp tục hướng dẫn cho những thế hệ tiếp theo.

- Tại các chương trình thời trang nước ngoài tổ chức tại Việt Nam như Tuần lễ thời trang Ý - Việt hay các Tuần lễ thời trang ở Pháp… đều mời đích danh chị tham dự. Mời một nhà thiết kế lão làng như vậy liệu cơ hội cho người trẻ có bị hạn chế?

Thông thường khi mời các nhà thiết kế tham dự các chương trình thì người ta luôn muốn trong sự an toàn, mà điều ấy yêu cầu kinh nghiệm là quan trọng. Tôi luôn tạo điều kiện và mong muốn một ngày nào đó các bạn trẻ sẽ có vị trí nhất định, nhưng để có được không phải điều dễ dàng. Không thể, và không phải chỉ một vài bộ sưu tập được các cơ quan truyền thông giới thiệu là trở nên nổi tiếng. Cái đó không phải là đời sống của một nhà thiết kế mà chính là tất cả các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường nội địa, từ đó tạo thương hiệu và tên tuổi cho chính mình.

- Nói như chị có nghĩa nhà thiết kế muốn vươn xa trước tiên phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nội địa?

Đúng vậy. Làm sao đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng bản địa là điều cực kỳ quan trọng. Nhà thiết kế không thể làm ra những cái không phù hợp với văn hóa bản địa. Đơn cử như khi bạn nhìn hình tượng của Lady Gaga thì không có nghĩa ca sĩ Việt Nam khi hát dòng nhạc đó, cũng có thể mặc như thế. Nếu họ mặc như vậy thì sẽ ngay lập tức gặp phản ứng của dư luận. Chính bởi vậy, tính thích nghi trong sáng tạo và cách định hướng, tư vấn cho người tiêu dùng là rất quan trọng với một nhà thiết kế. Nếu đi đúng thì các sản phẩm thiết kế ra đời sẽ mang tính tích cực đối với đời sống.

Vẫn chịu “cảnh” gia công

- Thời gian gần đây, thời trang Việt Nam cũng đã từng bước hội nhập với thời trang thế giới, chị đánh giá thế nào về thời trang Việt?

Nếu để đánh giá một cách chuyên nghiệp thì tôi có thể nói: chúng ta chưa có gì trên bản đồ thời trang thế giới cả. Để có được điều gì đó thì chúng ta phải có một điều rất quan trọng là nền công nghiệp thời trang Việt Nam chứ không phải sự sáng tạo của một cá nhân, một nhà thiết kế riêng rẻ nào. Bởi trong quy trình ra đời của một sản phẩm thời trang, ngoài thiết kế còn phải có sản xuất, có phân phối. Chúng ta cực mạnh về sản xuất vì đã có trên 20 năm làm gia công. Bây giờ chúng ta muốn thay đổi để vượt qua cảnh gia công đó thì bắt buộc phải có những công đoạn thiết kế và phân phối. Nên nhớ rằng, phân phối về thời trang hoàn toàn không đơn giản vì phải có đội ngũ quảng bá (marketting), đội ngũ bán hàng (sale). Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đội ngũ sale mạnh về thời trang. Ngay cả những đơn vị lớn như Việt Tiến khi nói đến, người ta cũng chỉ biết đến áo sơ mi, ngoài ra không có gì khác. Chúng ta chưa có sự đồng bộ của một nền công nghiệp thời trang.

- Vậy theo chị, Việt Nam đang yếu nhất ở khâu nào?

Việt Nam đang mạnh nhất ở khâu sản xuất và yếu nhất là khâu thiết kế, trong thiết kế là vấn đề đào tạo. Còn việc phân phối thì chúng ta có thể vận hành rất nhanh khi chúng ta có cái gốc đó là thiết kế.

- Nếu như dự đoán thì theo chị, bao giờ Việt Nam có thể xây dựng được ngành công nghiệp thời trang?

Thực sự quá khó để dự đoán. Để có được một nền công nghiệp thời trang không phải là việc của một cá nhân mà là chiến lược phát triển của một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt  Nam. Nó không đơn giản chỉ là hô hào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt hay hô hào phải phát triển khâu thiết kế mà phải có những hành động cụ thể nằm trong một chiến lược lớn. Chiến lược đó phải mang tầm quốc gia, có những con người cụ thể để làm những việc có tính chuyên môn cao chứ không phải những người ngoại đạo.

- Xin cảm ơn chị!


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc