Vì “Một sức khỏe” an toàn cho Việt Nam

07:24, 04/02/2015
|

(VnMedia) - Ngày 3/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Quốc gia “Một sức khỏe” lần thứ 3 với chủ đề “Nguy cơ bệnh truyền nhiễm phát sinh trong mối tương tác con người - động vật - hệ sinh”, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong những năm gần đây, thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ do các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã; đặc biệt nghiêm trọng hiện nay là bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc. Những bệnh truyền nhiễm này đều xuất phát từ mối tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái, có khả năng gây nhiều hậu quả với sức khoẻ con người, phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, Việt Nam đang dần chuyển dịch theo hướng áp dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khoẻ”.

Trong năm 2014, thế giới tập trung sự chú ý đến các tác động của những bệnh truyền nhiễm mới và mới nổi lên. Áp lực ngày càng lớn đối với môi trường vốn đang bị xâm hại đã đưa con người, gia súc và động vật hoang dã lại gần nhau hơn. Những căn bệnh lây lan từ động vật sang người như Ebola và cúm gia cầm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhanh chóng và sâu rộng đến sức khoẻ con người, sinh kế, an ninh lương thực và phát triển kinh tế.

Với kinh nghiệm của mình trong việc ứng phó với dịch SARS và cúm gia cầm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng cách tiếp cận đa ngành vào năm 2003, sau này đã trở thành phương pháp tiếp cận "Một sức khoẻ" vào năm 2010 - được thông qua trong Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về cúm động vật và đại dịch.

Hiện nay, nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người đã ghi nhận ở Việt Nam như cúm A(H5N1) và đã có trường hợp tử vong; bệnh do liên cầu khuẩn lợn ở người với 77 trường hợp mắc và 15 trường hợp tử vong (năm 2014); bệnh dại với 65 trường hợp mắc (năm 2014); bệnh than với 49 trường hợp mắc... Tuy nhiên, một số bệnh mới nổi như: cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola, dịch hạch chưa ghi nhận trường hợp mắc tại Việt Nam ...

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn cần xây dựng một cơ chế phối hợp tiếp cận mang tính chiến lược phù hợp với kế hoạch và lộ trình hành động của "Một sức khỏe."

“Một sức khỏe” là phương pháp tiếp cận lồng ghép đòi hỏi sự hợp tác và trao đổi thông tin đa ngành, đa lĩnh vực để giải quyết những dịch bệnh phát sinh do sự tương tác giữa động vật, con người và hệ sinh thái, gây đe dọa tới sức khỏe con người và động vật. Theo đó, Việt Nam hướng tới việc tập hợp các tác nhân liên quan chính từ nhiều ngành và lĩnh vực nhằm xác định các nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến bệnh truyền nhiễm, từ đó thực hiện các biện pháp phối hợp phòng ngừa và kiểm soát thống nhất.

Trong năm 2014, thế giới tập trung sự chú ý đến các tác động của những bệnh truyền nhiễm mới và mới nổi lên. Áp lực ngày càng lớn đối với môi trường vốn đang bị xâm hại đã đưa con người, gia súc và động vật hoang dã lại gần nhau hơn. Những căn bệnh lây lan từ động vật sang người như Ebola và cúm gia cầm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhanh chóng và sâu rộng đến sức khoẻ con người, sinh kế, an ninh lương thực và phát triển kinh tế.

Việt Nam nằm trong khu vực nguy cơ tương đối cao về các bệnh lây nhiễm mới, mới nổi và các bệnh truyền nhiễm tái diễn của người, vật nuôi, động vật hoang dã

Do  vậy, Liên hợp quốc đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa việc chăm sóc sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái theo khuôn khổ tiếp cận thống nhất "Một sức khỏe".


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc