Đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh

19:16, 26/02/2015
|

(VnMedia) “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh, củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc”, đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

 

Đạo đức nghề y (y đức) luôn được xã hội coi trọng, nó là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế và có ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân, y đức có sự sa sút .

 

Ở Việt Nam , nghề y và đạo đức nghề y ra đời từ rất sớm và chịu ảnh hưởng lớn của đạo đức truyền thống phương Đông, thích ứng với nền sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp. Từ khi đất nước giành được độc lập, đạo đức xã hội nói chung, đạo đức nghề y nói riêng, được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tinh hoa đạo đức truyền thống của dân tộc. Qua thực tiễn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới, đạo đức nghề y đã hình thành rõ nét, được các nhà khoa học bàn luận nhiều, khái quát lại, y đức có nghĩa chung là những nguyên tắc phẩm hạnh và các chuẩn mực phẩm hạnh của người thầy thuốc trong quan hệ với bệnh nhân, với công việc, với y học, với đồng nghiệp và với xã hội.

 

Xã hội luôn đòi hỏi nghề y phải đề cao y đức vì xuất phát từ đặc điểm của nghề y. Mối quan hệ giữa nghề y (người thầy thuốc) với người bệnh là mối quan hệ đặc biệt. Họ hy vọng nhiều vào sự giúp đỡ của thầy thuốc. Họ tin tưởng rằng, trí tuệ, lòng nhân đạo cao cả của người thầy thuốc sẽ cứu họ thoát khỏi sự đau đớn về thể xác, tinh thần để trở về với gia đình, đơn vị công tác và xã hội. Ngược lại, người thầy thuốc do chức năng, nhiệm vụ của nghề nghiệp mà đi sâu vào đời sống người bệnh từ thể chất - tâm sinh lý một cách nhân đạo, sâu sắc.

 

Do tính đặc thù của đối tượng nghề y, nên một thiếu sót dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn. Xuất phát từ đặc điểm ấy, xã hội luôn yêu cầu cao đối với người thầy thuốc: phải có lòng nhân đạo, lương tâm và trách nhiệm với người bệnh; phải có trình độ trong các vấn đề khác nhau của y học, phải tận tụy với công việc; phải có các đức tính cao hơn các nghề khác là yêu nghề, yêu con người, đức độ nhân từ, khiêm tốn, đoàn kết, hoàn thiện óc quan sát khoa học, dũng cảm, lạc quan, kiên quyết trong khi giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người bệnh... Xã hội từ trước đến nay, có nhiều người viết về nghề y và yêu cầu đối với y đức.

 

Ở Việt Nam , vào thế kỷ XVIII, Lê Hữu Trác cho rằng “nghề y là nghề cao quý, nghề giúp nước, giúp dân, là nghề nhân thuật, nghề liên quan đến tính mệnh con người. Vì vậy, người làm nghề y không thể là người kém cỏi về tài năng cũng như đạo đức”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào... Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”.


  Ảnh minh họa


 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: ”Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ y tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành Y tế. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế như đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức truyền thống của ngành y tế: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập và làm theo lời thề Hy-pô-crát, lời thề và những điều y đức của Lê Hữu Trác; triển khai trong toàn Ngành quy tắc ứng xử của nhân viên y tế;biểu dương, khen thưởng những nhân viên y tế tận tâm, phê phán và xử lý nghiêm minh những nhân viên y tế có biểu hiện tiêu cực trong khám, chữa bệnh,... “.

 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để kịp thời xử lý những vấn đề xuất hiện trong thực tế khám chữa bệnh liên quan đến tinh thần, thái độ của nhân viên y tế, Bộ Y tế đã thiết lập lại hệ thống Đường dây nóng trong toàn ngành nhằm tiếp nhận ý kiến phản ảnh kịp thời của người dân, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn trong khám chữa bệnh.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đường dây nóng đó là một kênh thông tin giúp Bộ Y tế giám sát, kiểm tra hoạt động của nhân viên y tế để có thể xử lý, giải quyết nhanh nhất những bức xúc chính đáng của người bệnh, góp phần đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Trong năm 2014, từ thông tin qua Đường dây nóng, đã có 6.807 cán bộ bị nhắc nhở, 137 cán bộ bị khiển trách, 116 cán bộ bị cắt thi đua, 18 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác, 6 cán bộ bị cách chức và 04 cán bộ bị nghỉ việc.

 

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng quy chế dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức Lễ phát động “Phong trào tuổi trẻ ngành Y tế học tập và làm theo lời Bác...

 

Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh là việc làm cần thiết, là việc làm vừa thường xuyên, vừa cấp bách của ngành y tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh, củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc.

Nâng cao y đức là việc làm cần thiết

 

Trong quan hệ giữa người thầy thuốc với người bệnh, sự suy thoái biểu hiện ở thái độ thiếu niềm nở, lịch sự trong giao tiếp với bệnh nhân, thiếu tôn trọng quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của con người, thờ ơ với nỗi đau của người bệnh... 
 

Về chuyên môn, một số thầy thuốc do không chấp hành nguyên tắc của bệnh viện, quy chế của chuyên môn đã để xảy ra những sai sót về kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh.

 

Về quan hệ với đồng nghiệp, sự suy thoái của y đức biểu hiện ở tinh thần thiếu hợp tác vì mục đích chung, ở sự thiếu tôn trọng chuyên môn và sự đóng góp của đồng nghiệp trong thăm khám, điều trị, ở sự ít chia sẻ thông tin với đồng nghiệp về chuyên môn.

Về quan hệ với xã hội, sự suy thoái của y đức biểu hiện ở sự thiếu nhiệt tình trong hỗ trợ tuyến dưới, khi tham gia chống dịch bệnh, trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, trong khám chữa bệnh miễn phí, thiếu gương mẫu trong nếp sống, trong sinh hoạt tập thể...

 

Thực tế, hiện nay không ít thầy thuốc và cơ sở khám, chữa bệnh không thấy hết mức độ sa sút về y đức từ cách ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân, thậm chí còn có thái độ vô trách nhiệm, thờ ơ với nỗi đau của người bệnh... Hiện tượng tiêu cực trong khám, chữa bệnh đã trở thành phổ biến, kéo dài, mất lòng tin đối với xã hội. Vì vậy đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng ta “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh” lúc này là vô cùng cần thiết.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc