Cách tránh phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng

06:59, 18/01/2015
|

(VnMedia) - Theo tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ ngày 13/01/2015 đến ngày 16/01/2015 tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella tại các trường THCS, khi triển khai đã xảy ra 19 trường hợp có hội chứng lo lắng tâm lý dây chuyền tại một số trường THCS trên địa bàn, tất cả các trẻ sau tiêm 10 đến 15 phút trẻ có triệu chứng buồn ói, chóng mặt, nhức đầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Hầu hết các trường hợp đều xuất hiện có tính lan truyền từ học sinh này sang học sinh khác. Khi xảy ra hiện tượng trên tất cả các em đã được đưa đến Bệnh viện Công ty Cao Su huyện Lộc Ninh để được chăm sóc và xử trí y tế, đến 12 giờ ngày 16/01/2014 các trường hợp đều ổn định.

Hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm tại điểm tiêm ở nhà trường là hiện tượng phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng. Tức là sau khi tiêm vắc xin cho một nhóm người sẽ gây ra sự lo lắng ở những người được tiêm với những triệu chứng tương tự nhau, gây ra một dạng của phản ứng dây chuyền; như là sự xuất hiện một chùm các triệu chứng có thể xảy ra ở trường học.

Các trường hợp này đã được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời gian qua cũng đã ghi nhận tại một số điểm tiêm chủng trường học.

Yếu tố nguy cơ là có sự kích thích tác động gây lo lắng, nữ thường gặp nhiều hơn nam, khoảng tuổi học sinh cấp 2. Triệu chứng điển hình thường là chóng mặt, buồn nôn, suy nhược, đau đầu và mệt xỉu. Tính năng điển hình là xuất hiện cấp tính, lây lan nhanh chóng.

Theo kế hoạch tiêm chủng, từ ngày 19 - 30/1, Hà Nội sẽ tiến hành tiêm chủng đồng loạt cho 258.788 trẻ từ 11 - 14 tuổi tại 615 trường PTCS trên địa bàn. Những trẻ chưa được tiêm trong đợt này sẽ được tiêm vét trong tháng 2 và tháng 3 tới.

Theo bác sĩ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm & Vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, độ tuổi 11 - 14 là nhóm dễ bị ảnh hưởng tâm lý và có thể xảy ra tình trạng phản ứng lo sợ tập thể. Để phát hiện, dự phòng và kịp thời xử lý khi xảy ra hiện tượng này, Trung tâm đã mời các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tập huấn cho các đơn vị tiêm chủng. "Việc xử lý kịp thời khi phát hiện một trường hợp có biểu hiện tâm lý sợ hãi sau tiêm là vô cùng quan trọng. Khi đó, cán bộ y tế phải cách ly ngay, tránh để hiện tượng này lây lan sang những em khác, ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng" - bác sĩ Ngô Khánh Hoàng nhấn mạnh.

Cục Y tế Dự phòng đã đưa ra khuyến cáo để phòng tránh phản ứng lây truyền sau khi tiêm chủng:

- Tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm đầu tiên.
- Có đoàn thanh niên, nhân viên hỗ trợ để giảm bớt lo lắng.
- Cho uống nước đường hoặc trà đường.
- Theo dõi nhóm tiêm chủng đó sau tiêm 30 phút.
- Khi 1 trẻ có biểu hiện trên, cần cách ly, trấn an và theo dõi.

Đối với trẻ nhỏ, khi đưa con đi tiêm, các phụ huynh cần lưu ý cho con ăn no đủ trước khi đi học hoặc trước khi đi tiêm chủng 30 phút để tránh trẻ bị đói, hạ đường huyết. Các trẻ nhỏ trong tiêm vắc xin thường có cảm giác lo sợ, quấy khóc, đặc biệt là các trẻ có tâm lý sợ bơm kim tiêm.

Ngoài ra, khi tiêm chủng cho trẻ cần tạo một môi trường thân thiện với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm làm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng khi tiêm, đặc biệt các điểm tiêm chủng nên bố trí phòng chờ cho trẻ thoải mái về tâm lý, tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm chủng cho trẻ em trước đó dễ gây ra các biểu hiện tâm lý trên đây.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc