Cách phòng tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em

14:00, 16/01/2015
|

(VnMedia)  - Tiêu chảy là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em, là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



T S.BS Nguyễn Thị Việt Hà  đã đưa ra những lời khuyên để phòng tránh tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em:

Đối với trẻ bú mẹ

- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trẻ đươc bú mẹ hoàn toàn sẽ ít mắc bệnh tiêu chảy và tỉ lệ tử vong thấp hơn so với trẻ không đươc bú mẹ hoặc không đươc bú mẹ hoàn toàn. Bú mẹ cũng làm giảm nguy cơ dị ứng sớm, đồng thời cũng tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng, làm giảm các đợt nhiễm trùng khác.

- Sữa mẹ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng và nước cần thiết cho trẻ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cung cấp tới một nửa các chất dinh dưỡng cho đến khi trẻ 2 tuổi.

- Sữa mẹ có chứa các chất miễn dịch, giúp trẻ chống lại bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy. Các chất này không có trong sữa động vật hay thức ăn nhân tạo.

- Bú sữa mẹ đảm bảo vệ sinh không phải sử dụng chai, núm vú nhân tạo, nước là điều kiện thuận lợi cho thức ăn dễ bị ổ nhiễm khuẩn.

- Trẻ bú sữa mẹ không bị dị ứng hoặc các hiện tượng không dung nạp sữa.

- Trong trường hợp, nếu không có điều kiện cho trẻ bú mẹ, nên cho trẻ ăn sữa động vật (cho trẻ ăn trước 6 tháng) hoặc sữa công thức nên dùng thìa và cốc. Chai sữa và núm vú không nên sử dụng vì khó làm sạch, dễ nhiễm khuẩn gây tiêu chảy. Cần hướng dẫn cách pha sữa bằng nước sạch đun sôi để ấm khoảng 60ºC.

Đối với trẻ ăn dặm

- Chỉ cho trẻ ăn bổ sung vào thời điểm 4-6 tháng khi mẹ không đủ sữa, trẻ chậm lên cân, quấy khóc.

- Lựa chọn thức ăn giầu chất dinh dưỡng và chế biến hợp vệ sinh. Lựa chọn thức ăn bổ sung dựa vào chế độ ăn và thực phẩm an toàn sẵn có tại địa phương. Cùng với sữa mẹ hoặc sữa khác, phải cho trẻ ăn thức ăn nghiền nhỏ và bổ sung thêm trứng, thịt, cá và hoa quả. Những thức ăn khác phải nấu nhừ, có rau và cho thêm dầu ăn (5 -10ml/bữa).

- Giảm nguy cơ tiêu chảy bằng sử dụng nước sạch: 
Chọn nguồn nước sạch nhất có thể.

- Không tắm, giặt và đại tiện gần nguồn nước; Không cho động vật đến gần nguồn nước; Rửa sạch và đậy nắp đồ dùng chứa nước (chum, vại) hàng ngày; Nếu có chất đốt thì đun sôi nước dùng để uống và chế biến thức ăn.

Vệ sinh tay sạch sẽ:

- Cần rửa tay kỹ trong các trường hợp: Sau khi đi đại tiện; Sau khi vệ sinh cho trẻ đi đại tiện
Sau khi dọn phân của trẻ; Trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn; Phải rửa tay bằng xà phòng hoặc bằng các chất thay thế và phải có đủ nước để xả.

Đảm bảo thực phẩm an toàn:

- Không ăn thực phẩm sống, trừ những rau quả đã bóc vỏ và phải ăn ngay.

- Rửa tay kỹ với xà phòng sau đi ngoài và trước khi chế biến thức ăn hoặc ăn.

- Nấu kỹ thức ăn.

- Ăn thức ăn nóng hoặc hâm kỹ lại trước khi ăn.

- Rửa sạch và làm khô tất cả dụng cụ trước, sau khi nấu và ăn.

- Bảo quản thức ăn đã chế biến vào dụng cụ sạch riêng biệt để tránh nhiễm bẩn.

- Sử dụng lồng bàn để tránh ruồi.

- Sử dụng hố xí và xử lý an toàn phân trẻ nhỏ khi bị tiêu chảy.

Phòng bệnh bằng vắc xin

- Phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo lịch tiêm chủng mở rộng.

- Tiêm phòng sởi có thể giảm tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng của tiêu chảy. Tất cả trẻ em cần tiêm phòng sởi ở độ tuổi khuyến nghị.

- Vắc xin Rotavirus: có hiệu quả phòng bệnh khoảng 72% trên trẻ em Việt Nam. Từ tháng 6 năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức khuyến cáo đưa vắc xin Rotavirus vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên toàn cầu. Việt Nam đang cân nhắc việc đưa vắc xin này vào chương trình Tiêm chủng mở rộng trong tương lai.

Đưa trẻ đến khám lại ngay nếu:

 

- Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục)


- Nôn tái diễn


- Trở nên rất khát


- Ăn uống kém hoặc bỏ bú


- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị


- Sốt cao hơn


- Có máu trong phân.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc