Bảo hiểm y tế: Có lợi cho người bệnh?

13:25, 31/12/2014
|

(VnMedia) - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, liên bộ Y tế -Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xây dựng khung giá tính đủ chi phí các dịch vụ y tế. Trước mắt, sẽ ban hành trước khung giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện trong toàn quốc.

Cụ thể sẽ ban hành mức giá theo năm hạng bệnh viện: Bệnh viện hạng đặc biệt, Hạng I, Hạng II, Hạng III và Hạng IV. Trong đó, mức giá này vẫn chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp là: thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; Điện, nước và Chi phí duy tu, bảo dưỡng tài sản. Ngoài ra, có tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ vào giá ngày giường, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá các phẫu thuật, thủ thuật.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, giá dịch vụ y tế không đơn thuần để người dân chi trả chi phí cho bệnh viện, mà còn là cơ sở để bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán cho bệnh viện.

"Giá dịch vụ y tế không đơn thuần là để người dân phải chi trả chi phí cho bệnh viện, mà còn là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện; mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, đến năm 2020 phải đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT; do đó giá dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHYT; nó không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác; mà còn là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT",  ông Nguyễn Nam Liên cho hay.

  Ảnh minh họa


Ảnh minh họa.

Có lợi cho người bệnh?

Hiện tại, chi phí cho y tế từ tiền túi chi trả trực tiếp của người dân Việt Nam vẫn là một gánh nặng rất lớn nên mỗi lần tăng giá viện phí là mỗi lần người dân hết sức lo lắng. Tới đây, khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng tương đương với giá viện phí ở các bệnh viện tư, chắc chắn gánh nặng của người bệnh càng lớn. Về điều này, phía Bộ Y tế cho biết, việc tính đủ giá dịch vụ y tế theo lộ trình chỉ thực sự tác động mạnh đến những người bệnh không có BHYT nên muốn đỡ ảnh hưởng thì họ  buộc phải mua BHYT, điều này giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.

Còn đối với những người bệnh có BHYT, quyền lợi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi giá dịch vụ y tế không đơn thuần để người dân chi trả chi phí cho bệnh viện mà còn là cơ sở để BHXH thanh toán cho bệnh viện. 

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến tính đúng, tính đủ sẽ giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người bệnh có thẻ BHYT được lợi vì BHYT thanh toán với mức cao hơn. Nhiều dịch vụ BHYT chi trả nhưng do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai nên người bệnh có BHYT không được thụ hưởng, nay được điều chỉnh mức thu nên bệnh viện sẽ triển khai và người bệnh có BHYT sẽ được hưởng.

Với người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… cũng không phải quá lo lắng bởi theo chính sách về BHYT hiện hành, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách để mua thẻ BHYT hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng này và mỗi lần đi khám chữa bệnh, họ sẽ được BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn.

Song song với việc đổi mới cơ chế, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ Y tế cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, các bệnh viện cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức...; xây dựng đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, đã ban hành Thông tư quản lý chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí, sửa đổi phân hạng bệnh viện trên nguyên tắc hạng bệnh viện gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn, bệnh viện nào không nâng cao được chất lượng sẽ bị tụt hạng...nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. 

Thủ tục hành chính không làm "khó" người bệnh

 

Về thủ tục khám, chữa bệnh cho người có BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt nam cho biết, người bệnh đến viện chỉ cần có thẻ BHYT cộng 1 giấy tờ tùy thân có ảnh. Còn với học sinh, BHXH đang phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành làm thẻ học sinh. Riêng trong trường hợp chuyển viện chỉ cần giấy chuyển viện của nơi trước chuyển đi.

 

Còn về chứng từ thanh toán viện phí BHYT khi xuất viện đã giảm từ 7 chữ ký giờ còn 3 chữ ký (gồm chữ ký của bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh, bác sĩ điều trị và đại diện cơ sở khám, chữa bệnh).

 

Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh, kể cả BHXH cũng không được quy định thêm thủ tục trong khám, chữa bệnh. Trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh cần lưu giữ giấy tờ, chứng từ BHYT của người bệnh thì phải tự photocopy. Tuyệt đối không được yêu cầu người bệnh phải đi photo và không được thu thêm tiền photo. Điều này nhằm tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho người tham gia BHYT.

 

Trước băn khoăn về việc người lao động tự do có được tham gia BHYT, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, lao động tự do sẽ được tham gia BHYT theo nhóm 5 (nhóm cuối cùng). Những người lao động tự do phải khai báo tạm trú và sau 3 tháng họ sẽ được quyền tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình tại nơi tạm trú. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng sẽ được giảm.


Để hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, theo bà Tống Thị Song Hương, Bộ Y tế đang dự kiến vận động các công ty dược hỗ trợ một phần chi phí thông qua việc viện trợ thuốc hoặc hỗ trợ một phần chi phí thuốc BHYT.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc