Trẻ mắc bệnh dạ dày gia tăng do quá căng thẳng

14:44, 09/10/2014
|

(VnMedia)  - Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay tỷ lệ trẻ em bị bệnh dạ dày ngày càng gia tăng. Điều đáng báo động là tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày do strerss gây ra rất cao.

>>>
Cảnh báo stress ở trẻ do cha mẹ thờ ơ
 
Trẻ bị đau dạ dày do căng thẳng
 
Thấy con xanh xao, nên chị Nguyễn Thị T. (Yên Hòa, Cầu Giấy) đưa con đi khám vì nghĩ rằng con thiếu máu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định con trai chị là Bùi Văn H. bị thiếu máu nên cho cháu truyền máu và kiểm tra tổng thể. Kết quả các bác sĩ cho biết, cháu H. bị xuất huyết đường tiêu hóa, viêm loét hành tá tràng.
 
Cháu H. là một trong không ít những trường hợp trẻ đến khám Bệnh viện Nhi Trung ương. Đặc biệt, trường hợp của cháu Lê Thị M. (Bắc Ninh), khi thấy con kêu đau bụng âm ỉ, gia đình nghĩ bé bị đau bụng giun nên cho uống thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, những cơn đau không giảm mà tăng dần lên. Đên khi thấy M. đau quằn quại, gia đình vội đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho làm M. làm các xét nghiệm và kết quả là cháu M. bị xuất huyết dạ dày nặng.
 
Được biết, trẻ bị đau dạ dày do stress, lo âu không phải là hiếm gặp. Chị Phạm Thanh L. (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, thấy các bạn cùng lớp con học thêm nhiều nên chị cũng cho con là cháu Nguyễn Thúy H. (11 tuổi) học thêm các môn như Toán, Văn, Tiếng Anh. Để đảm bảo sức khỏe học thì phải ăn, một ngày H. hết ăn lại học, học lại ăn. Thậm chí, giữa hai ca học gần nhau chị L. lại cho con vào quán ăn rồi vào lớp học tiếp. Tình trạng này kéo dài giữa ăn và học khiên cháu H. bị stress.
 
Theo bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi bị stress, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày.

Thực tế, hiện nay rất nhiều cha mẹ quan tâm thái quá đến việc ăn uống của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ đọc các loại sách hướng dẫn và áp dụng một cách máy móc cho chế độ ăn của con mình. Chính điều này đã khiến nhiều trẻ cứ đến bữa ăn là căng thẳng. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày ở trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh đau dạ dày ở trẻ, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn hợp lý, không nên ép trẻ ăn bằng được mà cần khuyến khích để tạo cảm giác muốn ăn cho trẻ. Khi thấy trẻ bị đau bụng thường xuyên cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Cha mẹ dễ bỏ qua
 
Hiện nay, đau dạ dày là bệnh đứng đầu trong các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không nghĩ trẻ có dấu hiệu của bệnh đau dạ dày vì nghĩ chỉ người lớn mới mắc bệnh này.

Bác sĩ Bùi Thu Hương, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một số trẻ bị đau dạ dày có biểu hiện đau bụng âm ỉ, có khi kéo dài đến vài tháng. Tuy nhiên, một số trẻ lại xuất hiện các cơn đau cấp tính như đau bụng quằn quại, nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Tuy nhiên, trẻ thường bị đau khắp bụng, trong khi người lớn bị bệnh dạ dày thường đau vùng thượng vị. Chính vì thế mà cha mẹ thường bỏ qua bệnh đau dạ dày ở trẻ. 

Viêm loét dạ dày tá tràng làm trẻ không ăn uống được do nôn trớ hoặc chậm tăng cân. Đau bụng tái diễn và kéo dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường của trẻ. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm, kịp thời sẽ là nguyên nhân dẫn tới ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa sau này.
 
Các bác sĩ cho biết, hầu như trẻ đến viện trong tình trạng muộn, chảy máu, hẹp và thủng dạ dày vì cha mẹ không nghĩ tới bệnh này. Khi thấy con kêu đau bụng, cha mẹ thường tưởng là ăn uống, do giun... nên mua thuốc cho dùng làm giảm mất triệu chứng. Đặc biệt, triệu chứng lâm sàng ở trẻ thường không giống người lớn.

Ở người lớn thường đau âm ỉ, còn ở trẻ là đau dữ dội, lăn lộn như giun lên ống mật, chính vì vậy, nhiều trẻ được chẩn đoán và điều trị như giun chui ống mật hoặc đau bụng do giun. Ngoài ra, trẻ cũng không gặp ợ hơi, ở chua như người lớn mà thường nôn ói, thậm chí nôn ra máu, bụng bị đầy hơi, ăn vào khó tiêu, chán ăn...
 
Điều nguy hiểm là viêm loét dạ dày ở trẻ tiến triển rất nhanh. Thông thường ở người lớn phải 10 năm mới dẫn tới loét xơ chai thì ở trẻ nhỏ 1 năm đã bị. Bệnh nếu không được điều trị sớm kết hợp với thay đổi lối sống sẽ thường xuyên tái phát gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, có khi gây thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị (cuống dạ dày) trẻ sẽ phải phẫu thuật. Hơn nữa, viêm loét dạ dày mạn tính dễ gây biến chứng ung thư.
 
Nếu thấy trẻ bị đau bụng thường xuyên hoặc cơn đau bụng cấp tính dữ dội cần phải đi khám ngay, tránh để tình trạng phải cắt dạ dày để lại di chứng nặng nề, kém phát triển thể chất về sau. Phát hiện sớm, việc điều trị rất đơn giản và thường không để lại di chứng gì.
 
Để phòng tránh đau dạ dày ở trẻ: Không nên ép trẻ học quá nhiều, luôn để trẻ lạc quan, vui tươi, thoải mái, tránh thức khuya... Tập cho trẻ thói quen ăn hợp hợp lý, không để đói quá và cũng tránh đừng ăn no quá. Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và có giờ nhất định, ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho tiêu hoá. Kiêng ăn các thực phẩm xào rán, nướng, các thực phẩm mặn... và đặc biệt tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc; không ăn các thức ăn chua, uống quá lạnh, ăn quá nóng, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc