Hà Nội: Bệnh dại có nguy cơ bùng phát trở lại

07:25, 18/05/2014
|

(VnMedia) - Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh dại có nguy cơ quay trở lại sau 2 năm vắng bóng.

Đầu tháng 5/2014, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do dại tại huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn. Ngoài Hà Nội, từ đầu năm đến nay cả nước cũng ghi nhận các ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành. Trong đó, Thanh Hóa có 3 ca tử vong; Yên Bái và Tuyên Quang mỗi nơi 2 ca...

Qua kiểm tra công tác phòng chống bệnh dại cho thấy tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn gia súc còn thấp, người dân một số địa phương còn chủ quan không đi tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ khi bị súc vật nghi dại cắn.

Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh dại có thể gia tăng vào mùa hè do các ổ dịch dại trên đàn chó tăng trong thời gian này. Bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở Việt Nam. Nguồn lây bệnh chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo. Những gia đình nuôi chó, mèo thì nhất thiết phải tiêm phòng dại định kỳ.

Bệnh không phát ngay, nhưng có thể mắc bệnh chỉ với vết trầy xước nhỏ. Đến lúc phát bệnh thì đã quá muộn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày.

Ảnh minh họa

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh dại.


Nguyên nhân khiến tình hình bệnh dại tăng trở lại

Tình hình bệnh dại ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - nước láng giềng với Việt Nam, tăng lên đáng kể sau năm 2000. Do đó, việc giao lưu mua bán, vận chuyển giữa các đàn chó qua biên giới là yếu tố làm gia tăng việc lây truyền chó dại.

Thứ hai, do người dân chủ quan vì quan niệm bệnh dại đã được kiểm soát thành công, nên sự tham gia của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại rất thấp.

Thứ ba, do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thời gian gần đây rất thấp, có nhiều địa phương ở nông thôn tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại khoảng 30%, còn các tỉnh miền núi trung du khoảng 10%, đặc biệt còn có tỉnh chưa tiêm phòng bệnh dại. Đây là mối lo ngại lớn vì bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Biện pháp phòng tránh bệnh dại

Để phòng chống bệnh dại, hạn chế thấp nhất tử vong do dại lên cơn ở người, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Phòng y tế, Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, TTYT Dự phòng và Trung tâm Truyền thông GDSK Hà Nội tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại.
 
Theo đó, các đơn vị tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về các biện pháp phòng chống bệnh dại như: hạn chế nuôi chó mèo, không được thả rông chó mèo, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, khi người bị súc vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.
 
TTYT Dự phòng Hà Nội và TTYT quận, huyện củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo hoạt động tốt, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người dân. Phối hợp với cơ quan thú y trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn gia súc, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80%.
 
Song song với công tác tham mưu cho UBND quận, huyện trong việc chỉ đạo phòng chống bệnh dại trên người và trên súc vật, Phòng y tế quận, huyện cần huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động, quản lý, giám sát việc chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, phòng chống bệnh lây từ động vật sang người.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc