Tuyên truyền sẽ ngăn ngừa sự lan rộng của dịch bệnh

07:05, 16/05/2014
|

(VnMedia) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, ngày 15/5 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức tập huấn công tác chẩn đoán, điệu trị bệnh tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gặp cho các đại biểu đến từ các sở y tế, bệnh viện tuyến Trung ương khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra tại hầu hết tại các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát.

Đến nay cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 2 người bệnh tử vong; 7.931 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 4 người bệnh tử vong.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, thời tiết nắng nóng và dự báo nắng nóng trên diện rộng kéo dài dễ dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe cho người dân, đặc biệt người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người làm việc ngoài trời, người đang điều trị các bệnh tim mạch, phổi, đái tháo đường, vảy nến, chàm, cường tuyến giáp...

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện sắp xếp tổ chức quy trình khám chữa bệnh, giảm tối đa thời gian khám chữa bệnh, tăng cường tinh thần phục vụ người bệnh trong thời tiết nóng bức. Các bệnh viện hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường phân luồng để tránh lây nhiễm chéo, bố trí đầy đủ thuốc và phương tiện cấp cứu kịp thời trong trường hợp gia tăng bệnh nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Bệnh tay chân miệng chưa có chưa có vắcxin phòng bệnh, nếu không kiểm soát tốt, tay chân miệng phát tán thành dịch. Các chuyên gia khuyến cáo cả người lớn và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Tuyên truyền phải đi trước một bước

Kể từ ngày 15/5, Bộ Y tế khởi động hệ thống trực tuyến ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện, thay vì đợi báo cáo từ các bệnh viện gửi lên chậm hơn và thiếu chính xác. Theo đó, hệ thống này tổ chức ghi nhận ca bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu tại thời điểm nhập viện kể từ ngày 15/5 và cập nhật lại khi người bệnh ra viện. Với các bệnh nặng, Bộ Y tế yêu cầu báo cáo diễn biến hằng ngày, tình trạng hiện tại, kết quả xét nghiệm và điều trị đặc hiệu...

Để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng trong mùa nắng nóng, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, các sở Y tế phải quan tâm đến dự phòng, tiêm vắc-xin vệ sinh trước khi ăn, rửa tay bằng xà phòng. Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, các Sở Y tế phải phối hợp với truyền thông để tuyên truyền hằng ngày ở các đài phát thanh trong lĩnh vực y tế dự phòng. Rà soát công tác khám chữa bệnh trên toàn tỉnh, các bệnh dịch để có thể đề xuất UBND các tỉnh để chuẩn bị các phương án, thuốc men để dự phòng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc