Vì sao trẻ cần được tiêm vắc xin sởi đúng lịch?

07:17, 22/02/2014
|

(VnMedia) - Dịch bệnh sởi đang xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc và có nguy cơ lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khi đã có hàng trăm trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh. Đặc biệt, bệnh đã được ghi nhận ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng). 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2013, cả nước có 1.048 ca sở rải rác tại các tỉnh, thành phố và không có ca nào tử vong; đỉnh dịch vào tháng 5, 7 và 11, trong đó năm tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao là Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng chỉ từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh, thành phố, trong đó có ba trường hợp tử vong tại Hà Nội (một trường hợp), Yên Bái (hai trường hợp); số mắc tập trung tại các tỉnh, thành phố như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Y tế dự phòng đánh giá, hiện tại bệnh sởi đang xuất hiện rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi do chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi trong những năm trước đây. Đặc biệt, đợt dịch này đã xuất hiện nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) mắc bệnh.

Có ba nguyên nhân dẫn đến trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh, đó là do người mẹ chưa mắc sởi bao giờ nên không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ qua nhau thai và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang.

Do bà mẹ được tiêm vắc xin từ trước đó nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ cho trẻ hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang trong một thời gian dài, mà giảm nhanh sau sinh vài tháng. Ngoài ra, nếu mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ cũng không được hưởng tính miễn dịch với sởi từ sữa mẹ truyền sang, nguy cơ nhiễm sởi ở mức cao...

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: Vắc xin sởi cũng như các vắc xin khác, chỉ có khoảng 85% trẻ em tiêm vắc xin lúc 9 tháng tuổi được bảo vệ phòng bệnh sởi. Với tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi đạt khoảng 90% thì sẽ có khoảng 76% số trẻ sinh ra hàng năm được bảo vệ. Số trẻ còn lại nếu không được tiêm chủng mũi 2 vắc xin sởi lúc 18 tháng tuổi sẽ tích lũy và có khả năng gây dịch nếu có vi rút sởi xâm nhập. Việc tiêm chủng mũi 2 vắc xin sởi trong khoảng thời gian 2012 - 2013 tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi chưa được chú trọng nên đạt tỷ lệ thấp.

Bên cạnh đó, vấn đề tiêm phòng ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn và giao thông không thuận lợi. Đặc biệt qua điều tra cho thấy thời gian qua người dân quá lo sợ về phản ứng sau tiêm vắc xin Qinvaxem (5 trong 1) nên nhiều bậc cha mẹ ngại không đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh; trong đó bao gồm cả vắc xin sởi. Đây cũng là một rong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vắc xin sởi giảm thấp ở một số tỉnh, thành phố dẫn đến nguy cơ gia tăng dịch bệnh sởi.

Ảnh minh họa


Tiêm vắc xin sởi - cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trước tình hình dịch sởi hiện nay, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và đã cơ bản khống chế được dịch. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Các tỉnh, thành phố đang có dịch triển khai ngay chiến dịch tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi, cũng như tăng cường giáo dục, truyền thông để người dân biết cách phòng bệnh cho bản thân, thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch sởi; các bà mẹ hiểu, yên tâm đưa con đi tiêm chủng.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển khẳng định: Vắc xin sởi là vắc xin an toàn. Tiêm vắc xin sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi cho dù người đó ở lứa tuổi nào, trẻ em hay là người lớn, thậm chí cả người già. Bệnh sởi thông thường là bệnh nhẹ, lành tính, tuy nhiên bệnh cũng có biến chứng rất nguy hiểm như viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm phổi, thậm chí có trường hợp còn bị viêm não có thể đe dọa đến tính mạng.

Triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi

Ngày 21/2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Song song với việc tiêm chủng thường xuyên, từ tháng 2 đến tháng 4/2014, Bộ Y tế triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi trong toàn quốc nhằm kiểm soát dịch sởi, khẩn trương khống chế dịch sởi, giảm số mắc và biến chứng do sởi.

Đối tượng tiêm đợt này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo qui định. Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đợt này sẽ tiêm vắc xin sởi cho hơn 95% các đối tượng nêu trên.

Vắc xin sởi được tiêm miễn phí trên toàn quốc cho trẻ 9 tháng tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm chủng hàng năm cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc đạt trên 90%. Mũi thứ hai vắc xin sởi được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ năm 2006. Bên cạnh đó, các hoạt động tiêm vét bổ sung vắc xin sởi đã được triển khai trên qui mô lớn. Cùng với các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đang nỗ lực để loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc