Người dân cần phải tự bảo vệ sức khỏe của mình

12:15, 21/02/2014
|

(VnMedia)Tại buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/2014), tại Hà Nội ngày 20/2, giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam cho biết: "Trong 100 bệnh, thầy thuốc chỉ chữa khỏi 10-15 bệnh, 40-50 bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, 10-20 bệnh không chữa cũng khỏi và 10 bệnh có chữa thì bệnh nhân cũng sẽ chết (như ung thư, tai biến, tai nạn dạng nặng....)".

Giảm 40 phút chờ đợi cho một lượt khám bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2013 ngành y tế đã nỗ lực để đạt được một số kết quả trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Cải tiến quy trình khám chữa bệnh giảm được từ 12-14 bước xuống còn 4-7 bước, giảm trung bình được 40 phút chờ đợi cho một lượt khám bệnh. Thực hiện Quy tắc ứng xử , từng bước cải tiến chất lượng bệnh viện Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép. Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhân được sự hài lòng từ bệnh nhân. Đồng thời, hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tiếp tục phát triển ở cả bốn cấp trung ương, tỉnh, huyện và xã, với 58 Bệnh viện Y học cổ truyền.
 
Ông Long cũng cho biết, ngành y tế đã hoàn thành hai chỉ tiêu do Quốc hội giao về việc tăng số giường bệnh. Hiện nay ước đạt 22,3 giường bệnh/ một vạn dân (không kể trạm y tế xã)  so với chỉ tiêu quốc hội đề ra là 22 giường bệnh/ một vạn dân.
 
Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 16%, ước  đạt 15,73%; cơ bản hoàn thành 18/18 chỉ tiêu Chính phủ giao. Việt Nam cũng được Liên hiệp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế, gồm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, giảm vong trẻ em, giảm tử vong mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét, các bệnh phổ biến khác, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp; các bệnh không lây nhiễm và dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện khó lường trước.

Người dân cần phải tự bảo vệ sức khỏe của mình

 Ảnh minh họa

 Người dân cần tự bảo vệ sức khỏe của mình. Ảnh minh họa.



Ông Nguyễn Thanh Long  cho biết, trong năm 2014, ngành y tế tập trung củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện của các tuyến, trong đó đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị; hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh. Đồng thời tiếp tục khuyến khích xã hội hoá công tác khám chữa bệnh; nâng cao đạo đức nghề nghiệp; thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế. Ngành y tế tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; truyền thông giáo dục sức khoẻ cho người dân.. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, không để dịch lớn xẩy ra; tập trung chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác tiêm chủng mở rộng để duy trì tỷ lệ tiêm chủng. Chủ động cung cấp thông tin về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cũng trong buổi họp báo, giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam cho rằng: "Trong 100 bệnh, thầy thuốc chỉ chữa khỏi 10-15 bệnh, 40-50 bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, 10-20 bệnh không chữa cũng khỏi và 10 bệnh có chữa thì bệnh nhân cũng sẽ chết (như ung thư, tai biến, tai nạn dạng nặng....). Chính vì vậy, người dân tự bảo vệ sức khỏe là giải pháp quan trọng nhất của ngành Y tế hiện nay".


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc